Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một khu nghĩa địa khủng long có diện tích lên đến 3,7 km2 với hàng ngàn bộ xương hóa thạch của loài khủng long sừng nhọn Centrosaur tại phía nam tỉnh Alberta, Canada.
Với tổng diện tích lên đến 3.7 km2, đây là khu nghĩa địa khủng long lớn nhất từng được tìm thấy. Ảnh: Internet. |
David Eberth, chuyên gia cổ sinh vật học và địa chất học thuộc Bảo tàng Royal Tyrell cho biết, kho tàng này cho chúng ta những chứng cứ chắc chắn rằng số lượng của các đàn khủng long lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ trước đây, có thể là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con mỗi đàn.
Trên thực tế, khu nghĩa địa này được phát hiện vào năm 1997 tuy nhiên, những số liệu chắc chắn về diện tích của nó thì chỉ mới được công bố vào đầu tháng này trong tác phẩm “Các nhìn mới về loài khủng long có sừng”.
Đi tìm lời giải thích cho sự tồn tại của khu nghĩa địa khủng long khổng lồ này, các nhà khoa học cho rằng các đàn khủng long sừng nhọn Centrosaur sinh sống tại Alberta cách đây 76 triệu năm đã bị tiêu diệt bởi một thiên tai thảm khốc.
Cách các hóa thạch nằm cạnh nhau trong một lớp đất nơi tìm thấy các hố hóa thạch cho thấy cả đàn Centrosaurs đã bị tiêu diệt cùng một lúc.
Thủ phạm được đưa ra trong giả thiết này là một cơn bão cực mạnh có thể nhanh chóng đưa mực nước lũ đạt đến mức 3,6 – 4,6m. “Nước lũ có thể đã ngập đến hàng trăm kilomet tính từ bờ biển. Và toàn bộ vùng đất này đã bị ngập trong nước”, Eberth giải thích.
Khu vực bằng phẳng như Arberta không có bất cứ nơi nào có thể tránh được nước lũ. Và nó khiến cho hàng ngàn động vật trong đó có loài khủng long chết chìm trong dòng nước lũ đang dâng lên.
"Với kích thước quá lớn của mình, loài khủng long không thể thoát khỏi dòng nước lũ ven biển và có thể chúng đã bị giết với số lượng lớn," Eberth giải thích.
"Trong khi đó, cá, bò sát nhỏ, động vật có vú, và các loài chim có thể đã có thể thoát khỏi thảm họa như vậy bằng cách tìm đến vùng nước yên tĩnh, cây cối, hang hốc an toàn hoặc đơn giản chỉ bằng cách bay đi".
Những cơn bão cũng có thể giúp giải thích vì sao vùng đất cằn cỗi phía tây Canada lại rất giàu các hóa thạch, “và tại sao chúng lại thường được tìm thấy trong tình trạng rất hoàn hảo", Eberth nói.
Các nhà khoa học hy vọng rằng, bài học ở khu nghĩa địa khủng long lớn nhất thế giới tại Alberta có thể giúp họ so sánh với những nơi khác trên thế giới trong nỗ lực tìm kiếm và xác định những dấu hiệu của các thảm họa trong quá khứ.
Nguồn: LiveScience