Các nhà thiên văn học chuyên nghiệp vừa phát hiện một hành tinh giống sao Mộc với khối lượng xấp xỉ Mặt trời. Đây là một hành tinh khổng lồ gần Trái đất hơn các hành tinh tương tự nó.
Đài Sputnik dẫn lời Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết hành tinh giống sao Mộc nói trên có tên TOI-2180 b, cách Trái đất khoảng 379 năm ánh sáng và có nhiệt độ trung bình khoảng 76 độ C, ấm hơn nhiệt độ phòng trên hành tinh của chúng ta cũng như ấm hơn các hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời.
Không có hành tinh nào giống như TOI-2180 b tồn tại trong Hệ Mặt trời của chúng ta.
TOI-2180 b được phát hiện nhờ các nhà thiên văn học chuyên nghiệp sử dụng thuật toán máy tính để quét dữ liệu thu thập bởi các kính thiên văn khác nhau.
Ông Tom Jacobs - thành viên tổ chức Visual Survey Group, chuyên kiểm tra dữ liệu kính thiên văn - ngày 1-2-2020 nhận thấy ánh sáng từ TOI-2180 b mờ đi, sau đó trở lại mức ban đầu trong vòng 24 giờ. Ông Jacobs đã thông báo cho NASA về phát hiện của mình.
NASA ước tính hành tinh này có thể gấp 105 lần khối lượng Trái đất và sở hữu đường kính bằng sao Mộc nhưng có khối lượng gấp 3 lần, với các nguyên tố nặng hơn heli và hydro. Không có hành tinh nào giống như nó tồn tại trong Hệ Mặt trời của chúng ta.
Chi tiết về phát hiện nói trên được công bố trên Tạp chí Thiên văn và được giới thiệu tại sự kiện báo chí trực tuyến của Hiệp hội Thiên văn Mỹ (AAS) vào ngày 13-1-2022. Nhà thiên văn học Paul Dalba, Trường ĐH California, Riverside (Mỹ), cho biết TOI-2180 b là một hành tinh đặc biệt vì mất tới 261 ngày để hoàn thành một hành trình quanh ngôi sao của nó.
"Với khám phá mới này, chúng tôi đang đẩy giới hạn của các loại hành tinh mà chúng tôi có thể quan sát được bằng hệ thống vốn không được thiết kế để tìm ra các hành tinh có quỹ đạo dài như vậy" - GS Diana Dragomir tại Trường ĐH New Mexico (Mỹ) cho biết.