Sao neutron được hình thành sau vụ nổ siêu tân tinh (supernova) - quá trình kết thúc vòng đời của một ngôi sao già.
Theo Futurism, các nhà thiên văn học đã quan sát được vật thể nhiều khả năng là sao neutron. Nó hình thành sau vụ nổ siêu tân tinh được phát hiện lần đầu năm 1987, có tên SN 1987A và cách Trái đất 170.000 năm ánh sáng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal. Nếu được xác nhận, đây sẽ là sao neutron trẻ nhất mà nhân loại từng biết đến với “tuổi đời” chỉ là 33. Trước đó, kỷ lục sao neutron trẻ nhất thuộc về Cassiopeia A với 330 tuổi, cách Trái đất khoảng 11.000 năm ánh sáng.
Đốm màu được tìm thấy trong lõi của siêu tân tinh SN 1987A, nhiều khả năng bao phủ sao neutron trẻ nhất từng được biết tới. (Ảnh: Forbes).
Để có được dữ liệu về ngôi sao, các nhà nghiên cứu đã phân tích hình ảnh siêu tân tinh SN 1987A được chụp bởi giao thoa kế thiên văn ALMA tại Chile.
Cụ thể, họ tìm thấy một đốm màu sáng bên trong lõi của siêu tân tinh, có thể là đám khí bao phủ sao neutron. Bản thân ngôi sao này rất nhỏ để phát hiện trực tiếp, với khối lượng gấp 1,4 lần Mặt Trời nhưng kích thước chỉ 24km.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy đốm màu này được tạo ra từ đám bụi trong tàn tích của siêu tân tinh”, các nhà nghiên cứu thắc mắc rằng thứ gì đã làm nóng lớp bụi và khiến nó sáng hơn.
“Đó là lý do chúng tôi cho rằng có một sao neutron ẩn trong đám bụi ấy”, Mikako Matsuura từ Đại học Cardiff (Anh), người tham gia nghiên cứu cùng các nhà khoa học tại ALMA, cho biết.
Các lý thuyết cũng cho thấy ngôi sao này cực kỳ sáng, phần lớn nhờ vào nhiệt độ giả định của nó là khoảng 5 triệu độ C.
Sẽ mất một thời gian để các chuyên gia xác nhận sự tồn tại của ngôi sao. Lớp bụi xung quanh siêu tân tinh cần tan bớt để các nhà thiên văn học khẳng định ngôi sao siêu trẻ này thực sự tồn tại.