Hệ thống sao nhị phân với gió sao va chạm mạnh mẽ là nguồn phát ra bức xạ gamma dữ dội.
Theo UPI, hệ sao nhị phân của ngôi sao Wolf-Rayet và OB tạo ra gió sao rất mạnh. Dữ liệu mới từ Kính viễn vọng không gian tia gamma Fermi của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, khi những cặp sao này có quỹ đạo gần nhau, sự va chạm gió sao của chúng có thể tạo ra nguồn năng lượng quang tử lớn hơn 100 MeV.
Hình minh họa sự va chạm của gió sao. (Ảnh: NASA).
Hiện tượng trên lần đầu tiên được quan sát vào đầu năm 1834 trên hệ thống sao nhị phân Eta Carinae, cách Trái Đất 8.000 năm ánh sáng. Tuy nhiên, ví dụ đơn lẻ này không đủ chứng minh hệ thống sao nhị phân là nguồn tạo ra bức xạ gamma.
"Những tính toán gần đây đã chứng minh hệ sao nhị phân như Eta Carinae là cực hiếm", Pshirkov, nhà nghiên cứu tại Viện thiên văn Sternberg, Đại học Lomonosov ở Moscow, Nga, nói.
Để tìm thêm ví dụ về hệ thống sao giống Eta Carinae, Pshirkov xem xét nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ - Áo. Họ xác định được 7 hệ sao, mang đặc điểm của ngôi sao Wolf-Rayet, nhưng lại thiếu bức xạ gamma cường độ mạnh. Pshirkov tiến hành kiểm tra lại 7 hệ thống sao nói trên bằng những quan sát từ kính.
"Kết quả cho thấy, hệ thống sao Gamma Velorum là nguồn phát ra bức xạ gamma", Pshirkov cho biết.
Hệ thống Gamma Velorum gồm hai ngôi sao. Ngôi sao nhỏ hơn có khối lượng gấp 10 lần Mặt Trời trong khi ngôi sao lớn hơn nặng gấp 30 lần Mặt Trời. Hai ngôi sao khổng lồ đang liên tục đánh mất vật chất dưới hình thức gió sao tốc độ lớn. Gió sao va chạm với nhau tạo ra bức xạ năng lượng cao.