Phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc trong thành nhà Hồ

Các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều vết tích kiến trúc thời Hồ, Lê Sơ và Lê Trung Hưng với nền móng, kiến trúc, gạch hoa in chữ Hán...

Ngày 24/1, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ và Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật di tích thành nhà Hồ năm 2020.


Phần nền móng với gạch đá còn khá nguyên vẹn mới phát lộ. (Ảnh: Lam Sơn).

Tại hai hố khai quật rộng 8.000m2 trong thành nội, đoàn khảo cổ phát hiện bốn dấu tích kiến trúc nền móng thời Hồ, hai lớp thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Đoàn cũng tìm thấy nhiều vật liệu như gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại gạch vuông, chữ nhật, gạch in chữ Hán được sản xuất tại thành nhà Hồ. Ngoài ra, khá nhiều mảnh gốm men thời Trần - Hồ và thời Lê Sơ được tìm thấy.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam (chủ nhiệm dự án), cho biết cuộc khai quật khảo cổ học thành nhà Hồ năm 2020 có quy mô tương đối lớn. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học nhận diện khá rõ di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình của vương triều Hồ. Qua các lớp nền móng kéo dài từ thời Lê Sơ (thế kỷ 15) sang thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-17) cho thấy quá trình sử dụng thành nhà Hồ trải dài, xuyên suốt nhiều thế kỷ.


Một viên gạch vuông có hoa văn đẹp vừa được phát hiện trong khu vực nội thành. (Ảnh: Lam Sơn).

Căn cứ vào thư tịch cổ và vị trí hố khai quật, khu vực nền Vua (hố 20) đã xuất lộ một tổ hợp kiến trúc tương đối hoàn chỉnh, bao gồm kiến trúc chính ở trung tâm, phía trước có hai cổng và hệ thống hành lang bao quanh. Từ quy mô, bố cục, các nhà khoa học chung nhận định đây là dấu tích kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu trung tâm thành Tây Đô.

Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đánh giá, kết quả khai quật lần này tại thành nhà Hồ là "hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định giá trị to lớn và nổi bật của Di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ".


PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam (thứ hai từ phải sang), thông báo kết quả khai quật ngày 24/1. (Ảnh: Lam Sơn).

Ông Cương đề nghị chính quyền tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan sớm có biện pháp bảo vệ hiện vật và các hố khai quật, tránh làm thất thoát, hư hại. Những năm tới, chính quyền cần quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn di sản, trong đó chú trọng khắc phục tình trạng sạt lở tường thành; tiếp tục khai quật khảo cổ; sớm đền bù, giải phóng mặt bằng phần diện tích đất nông nghiệp người dân đang canh tác trong lòng di sản...

Cập nhật: 25/01/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video