Phát hiện nhiều gạch cổ nghìn năm ở Thành nhà Hồ

  •  
  • 1.167

Trong các đợt khai quật khảo cổ học tại Di sản Thế giới thành nhà Hồ, đã phát hiện được rất nhiều viên gạch có in, khắc chữ “Giang Tây Quân”, “Giang Tây Chuyên”.

Theo các nhà khảo cổ học, đây là những loại gạch cổ được sản xuất cách đây hàng nghìn năm. Hiện toàn bộ số gạch cổ trên đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản thành nhà Hồ chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học và đưa vào bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu trưng bày…

Viên gạch cổ mới được phát hiện tại Thành nhà Hồ.
Viên gạch cổ mới được phát hiện tại Thành nhà Hồ.

Theo ghi nhận, gạch “Giang Tây Quân”, “Giang Tây Chuyên” có hình chữ nhật, kích thước trung bình 37cm x 5,5cm, kích thước này nhỏ hơn loại gạch bìa là gạch được sử dụng chủ yếu để xây dựng thành nhà Hồ, ở giữa mặt gạch có đóng khung gỗ và khắc chữ chìm rồi in vào gạch khi đang còn ướt. Nét chữ to đậm, viết theo lối chữ chân, chữ được in trên bề mặt viên gạch không giống như gạch bìa của thành nhà Hồ thường khắc ở cạnh.

Một đặc điểm khác nữa là loại gạch này có màu xám ghi, được làm từ đất sét mịn, nung ở nhiệt độ cao nên gạch rất đanh chắc. Mặc dù đã qua hàng nhìn năm nhưng gạch không bị thôi bột và luôn giữ được màu sắc.

Theo kết quả của các nhà nghiên cứu thì đây là loại gạch có niên đại rất sớm từ thời nhà Đường (618-907). Tại Hoàng thành Thăng Long, kết quả khai quật cũng đã phát hiện nhiều viên gạch tương tự nằm ở lớp cuối những dấu tích kiến trúc trong Hoàng thành, nó tồn tại song song với gạch Lý – Trần

Theo CAND
  • 1.167