Một đội các nhà khoa học Canada và Tây Ban Nha vừa công bố phát hiện nhiều sinh vật mới chưa từng được biết đến trước đó dưới lòng biển bắc Đại Tây Dương, một số loài trong số chúng đã sống cách đây hơn 1.000 năm và chứa đựng nhiều bí ẩn về hệ sinh thái biển cổ xưa tại vùng biển này.
Bộ Ngư nghiệp và các nhà khoa học từ 3 trường Đại học ở Canada và Viện Hải dương học Tây Ban Nha đã thực hiện chuyến thám hiểm kéo dài 20 ngày, sử dụng một robot công nghệ cao để chụp ảnh và thu thập các mẫu san hô và bọt biển sống tại độ sâu lên tới 3.000m ở ngoài khơi bờ biển Newfoundland và Labrador.
Nhà nghiên cứu Ellen Kenchington công tác tại Bộ Ngư nghiệp Canada cho biết 11 khu vực được thám hiểm ở ngoài khơi Newfoundland và Labrador mà được bảo vệ bởi Tổ chức Ngư nghiệp Bắc Đại Tây Dương được xem là “xương sống” của đại dương, những loài san hô sống tại đây có thể cao tới vài mét là nơi trú ẩn tuyệt vời cho cá và những sinh vật biển khác.
Tuy nhiên, theo hãng tin The Vancouver Sun (Canada), các loài san hô và bọt biển quý hiếm tại Bắc Đại Tây Dương đang bị tổn thương nghiêm trọng do tình trạng khai thác của nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.
“Trong quá trình nghiên cứu tại khu vực này có ít nhất 2 loài san hô và 6 loài bọt biển mới được phát hiện, trong đó loài san hô đen bám chặt dưới đáy biển có thể sống cách đây hơn 1.000 năm, ngoài ra còn nhiều loaì khác như sao biển màu hồng nhạt và hải sâm biển sâu”, bà Kenchington nói.
“Chúng tôi còn có thể phân tích thành phần hóa học của san hô, xác định nhiệt độ và những dữ liệu khác tại vùng biển này ở thời điểm 1.000 năm trước. Đó là những phương pháp giúp chúng tôi tìm hiểu hiện tượng ấm lên hoặc thay đổi khí hậu toàn cầu”, bà Kenchington cho biết thêm.
Dưới đây là hình ảnh những loài sinh vật mới phát hiện dưới lòng biển bắc Đại Tây Dương, chủ yếu là san hô và bọt biển và hầu hết chúng chưa được đặt tên (Ảnh: The Vancouver Sun)
(Nguồn: The Vancouver Sun, ctv.ca)