Viện SETI (California, Mỹ) vừa công bố nghiên cứu cho thấy sao Hỏa sở hữu dạng cấu trúc y hệt Nam Cực của Trái đất, nơi mà sinh vật ngoài hành tinh có thể tồn tại chỉ vài cm dưới bề mặt.
Tờ Sputnik dẫn lời tiến sĩ Janice Bishop, trưởng nhóm nghiên cứu: "Có thể có những vùng nước lỏng kích thước nhỏ trên sao Hỏa trong môi trường gần bề mặt, nơi có băng và muối".
Đó là dạng cấu trúc được cho là tương tự với các hồ ngầm ở Nam Cực, nơi một số nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về những dạng sống kỳ lạ, có thể tồn tại và sinh trưởng tốt mà không cần đến ánh sáng cùng một số điều kiện thiết yếu với các sinh vật Trái đất khác.
Một vùng sạt lở ở sao Hỏa, liên quan đến các hồ nước ngầm có thể là nơi trú ngụ của sinh vật ngoài hành tinh - (Ảnh: NASA)
Cụ thể, trên sao Hỏa cũng như ở Nam Cực, có những vùng băng vĩnh cửu mặn mà bên dưới nó là những màng nước mỏng, giống như những hồ nông, nhỏ, và hoàn toàn tách biệt với thế giới. Kết quả trên đến từ việc phân tích những hình ảnh được camera HiRISE đặt trên tàu vũ trụ của NASA đang do thám sao Hỏa.
Dữ liệu của HiRISE cho thấy các chuỗi hơi ẩm xuất hiện và mờ dần theo thời gian trên các sườn dốc hướng ra Mặt trời. Các tác giả từ viện SETI đã xác minh lại bằng mô hình máy tính và làm một số thí nghiệm cho thấy hơi nước này được tạo nên bởi nước mặt tan chảy.
Những nhiễu động gây ra bởi nước mặn tan chảy cũng là nguồn gốc của tình trạng sụp đổ và lở đất di chuyển nhanh đang được quan sát ở sao Hỏa, theo Space.
Ở Trái đất, còn một số nơi sở hữu các điều kiện tương tự như biển Chết ở Israel, sa mạc Atacama ở Chile. Tất cả những nơi đó, bên cạnh Nam Cực, đều là "thánh địa" của những loài giáp xác và thân mềm kỳ quái, không giống bất kỳ đâu trên thế giới.
Các nhà khoa học SETI tin rằng hệ sinh vật ngoài hành tinh ở sao Hỏa rất phong phú và đang tiếp tục phát triển.