Hệ sinh thái đặc biệt gần Maldives là nơi sinh sống của những sinh vật thủy sinh tí hon và nhiều động vật săn mồi, ví dụ như cá mập.
Chuyến thám hiểm Nekton Maldives Mission gồm các nhà khoa học của chính phủ Maldives, tổ chức phi lợi nhuận Nekton và Đại học Oxford phát hiện "ốc đảo sự sống" - một hệ sinh thái mới sống động và nhộn nhịp với những đàn cá, cá mập săn mồi và những sinh vật thủy sinh tí hon, IFL Science hôm 24/10 đưa tin. Ốc đảo này nằm ở độ sâu khoảng 500m dưới Ấn Độ Dương, gần Maldives.
Tàu lặn Omega Seamaster II nghiên cứu hệ sinh thái. (Ảnh: Nekton Maldives Mission).
Với sự trợ giúp của tàu lặn mini Omega Seamaster II, nhóm nghiên cứu thu thập các mẫu sinh học, quay phim và lập bản đồ khu vực mới phát hiện bằng sóng âm. Họ tập trung vào Satho Raha - ngọn núi ngầm khổng lồ với chu vi khoảng 28km.
Hệ sinh thái ở đây đặc biệt khác thường vì nhóm sinh vật nhỏ gọi là micro-nekton dường như bị mắc kẹt ở độ sâu khoảng 500m. Micronekton tương tự như động vật phù du, nhưng lớn hơn một chút với kích thước từ 2 - 20cm. Các micro-nekton thường di chuyển xuống độ sâu lớn lúc bình minh, nhưng tại đây, chúng không xuống sâu hơn 500 m.
Các sinh vật nhỏ sẽ tập trung ở ốc đảo, tạo ra một "điểm nóng" đa dạng sinh học thu hút nhiều động vật ăn thịt lớn hơn, bao gồm cá ngừ, cá mập hổ, cá mập mang, cá mập hổ cát, cá mập chó, cá mập gulper, cá mập đầu búa, cá mập silky và cá mập bramble. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi tiết về "Vùng bẫy" mà các nhà khoa học chưa hiểu rõ.
"Tại sao điều này lại xảy ra? Có phải điều này chỉ xảy ra ở độ sâu 500 m, sinh vật sống có xuống sâu hơn không, sự chuyển đổi này là gì, có gì ở đó và tại sao?", Lucy Woodall, nhà khoa học biển tại Đại học Oxford, đặt câu hỏi.
Vùng bẫy có thể giúp giới khoa học nắm rõ hơn về micro-nekton, từ đó hiểu thêm về vùng biển sâu và thực hiện các biện pháp bảo tồn đại dương tốt hơn. "Nơi này có mọi dấu hiệu của một hệ sinh thái mới khác biệt. Vùng bẫy đang tạo ra một ốc đảo sự sống ở Maldives và nhiều khả năng nó cũng tồn tại ở những hòn đảo đại dương khác và cả trên các sườn dốc lục địa", Alex Rogers, nhà sinh vật biển tại Đại học Oxford, nhận định.