Một con rùa bạch tạng cực hiếm và cực nhỏ vừa được phát hiện gần một hồ nước ngọt ở miền Nam Ấn Độ.
Theo tạp chí Bò sát & Lưỡng cư, chú rùa non có chiếc mai màu nhạt và đôi mắt hồng được hai nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Manoj Kumar Vittapu và Shravan Kumar Poshetty phát hiện gần hồ nước ngọt trong khu rừng ở Sirinepally thuộc huyện Nizamabad, bang Telangana - Ấn Độ.
Chú rùa mai cực nhỏ khi kích thước cơ thể chỉ khoảng 4x3 cm song đã thu hút sự chú ý của hai nhiếp ảnh gia vì sắc tố lạ thường.
"Lần đầu tiên ở Ấn Độ có báo cáo về trường hợp rùa bạch tạng như thế này" - ông Buddi Laxmi Narayana, quản lý tại Công viên Động vật Nehru ở TP Hyderabad, bang Telangana, cho biết.
Rùa mai bạch tạng hiếm được tìm thấy ở Ấn Độ. (Ảnh: Manoj Kumar Vittapu)
Chú rùa hiếm nổi bật trên bãi cỏ. (Ảnh: Manoj Kumar Vittapu)
Bạch tạng là một dạng đột biến gene hiếm gặp khiến da, tóc hoặc mắt không có sắc tố - không nên nhầm lẫn với hội chứng bạch thể vốn chỉ suy giảm sắc tố hay bạch tạng một phần.
Người hoặc động vật khi di truyền có chứa biến thể gene lặn, gene này có tác dụng "ngắt" việc sản xuất hiệu quả sắc tố melanin. Trong khi đó melanin là sắc tố tạo nên màu sắc cho da, mắt và tóc. Khi lượng melanin giảm cũng có thể gây ra các vấn đề về thị lực.
Rùa mai Ấn Độ sống ở các sông và hồ ở Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Bangladesh và Myanmar. Một số nơi trên thế giới đã từng phát hiện rùa bạch tạng nhưng ở Ấn Độ thì đây là lần đầu tiên bắt gặp.
Chính vì màu sắc nổi bật của con rùa khiến nó khó có cơ hội sống sót trong môi trường hoang dã. Bên cạnh việc phải chống chọi với bệnh tật, nó còn dễ dàng bị những kẻ săn mồi phát hiện do không có khả năng ngụy trang để ẩn náu.