Các nhà thiên văn học công bố phát hiện một ngôi sao lùn nâu cách Trái đất 332 năm ánh sáng có thể hỗ trợ sự hình thành hành tinh.
Sao lùn nâu được ví như "con lai" trong vũ trụ khi có khối lượng nằm giữa hành tinh lớn nhất và ngôi sao nhẹ nhất, có nghĩa chúng quá nặng để được coi là một hành tinh khí khổng lồ nhưng lại không đủ lớn để tạo ra phản ứng nhiệt hạch bên trong lõi như một ngôi sao thực sự.
Giống như hành tinh khí và ngôi sao, một số sao lùn nâu trẻ tuổi cũng có thể chứa vành đai hay đĩa khí bụi - vật chất còn sót lại sau sự hình thành ban đầu của chúng. Đây là nơi các hành tinh mới có thể sinh ra thông qua quá trình va chạm và tích tụ vật chất.
Trong cuộc họp thường niên lần thứ 236 của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ diễn ra vào tuần này, các chuyên gia từ NASA do cựu sinh viên Đại học Oklahoma Maria Schutte dẫn đầu đã công bố phát hiện mới về một sao lùn nâu cách Trái đất chỉ 332 năm ánh sáng được bao quanh bởi đĩa khí bụi dày đặc.
Đồ họa mô phỏng sao lùn nâu W1200-7845. (Ảnh: NASA/William Pendril).
Thiên thể được đặt tên là W1200-7845 ước tính chỉ mới 3,7 triệu năm tuổi, biến nó trở thành ngôi sao lùn nâu trẻ nhất trong vùng lân cận hệ Mặt trời. Phát hiện này là một phần trong dự án "Disk Detective" của NASA, nhằm tìm kiếm đĩa vật chất mới trong vũ trụ thông qua các quan sát quang học và hồng ngoại.
Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu có kế hoạch sử dụng tổ hợp kính viễn vọng Atacama Large Millimeter Array (ALMA) ở Chile để phóng to hình ảnh W1200-7845 để đo khối lượng và bán kính của đĩa khí bụi.
"Khối lượng đĩa có thể tiết lộ có bao nhiêu thứ bên trong, cho phép chúng ta biết được liệu hành tinh mới có thể hình thành trong hệ thống này hay không và loại hành tinh nào có thể được tạo ra", Steven Silverberg, đồng tác giả nghiên cứu giải thích. "Đây là nơi tuyệt vời để tìm kiếm các ngoại hành tinh".