Phát hiện sốc: "Đồ công nghệ" 3 triệu tuổi không phải con người làm ra

Các loại công cụ được chế tạo với công nghệ vượt bậc từ 3 triệu năm trước đã được tìm thấy ở bên hồ Victoria, châu Phi. Điều khiến các nhà khoa học bối rối đó là, đây không phải sản phẩm của người Homo sapiens hay bất cứ loài nào khác từng được gọi là con người.

Theo Science Alert, phát hiện đến từ một di chỉ được bắt đầu khai quật từ những năm 2016 ở khu vực bờ hồ Victoria thuộc Nyayanga - Kenya, có thiết kế giống với công cụ Oldowan - dòng công cụ đá sớm nhất được tạo ra bởi bàn tay con người.

"Con người" ở đây không phải người tinh khôn Homo sapiens chúng ta, mà là những loài anh em khác cùng thuộc chi Homo (chi Người), những giống loài được cho là đã tách hẳn khỏi thế giới vượn nhân hình để trở thành sinh vật tiên tiến hơn.


Khu vực tìm ra các công cụ đá gây sốc - (Ảnh: SMITHSONIAN MAGAZINE)

Các phân tích cho thấy các công cụ này được tạo ra trong khoảng thời gian từ 2,6 đến 3 triệu năm trước, gồm 330 món tất cả, được tìm thấy giữa 1.776 xương động vật hóa thạch có dấu hiệu bị giết thịt.

Niên đại này xa hơn niên đại của các công cụ Oldowan xưa nhất được khai quật trước đây, vốn khoảng 2,6 triệu năm tuổi.

Nhưng theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Rick Potts từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia thuộc Viện Smithsonian (Mỹ), những công cụ này cho thấy công nghệ Oldowan có thể không phải của con người.


Các công cụ sau khi đã được đào lên và phục hồi - (Ảnh: SMITHSONIAN MAGAZINE).

Chúng gồm những món đủ sức nghiền nát dễ dàng bộ hàm của voi và cả bộ hàm với nanh nhọn của sư tử. Một sốc công cụ khác giúp lóc thịt khỏi xương hiệu quả, lấy tủy xương và cả để nghiền nguyên liệu thực vật.

Công nghệ này đã lan rộng khắp châu Phi trong thời điểm 2 triệu năm về trước. Với mốc trước 2 triệu năm, việc tìm ra di chỉ Nyayanga đã giúp mở rộng phạm vi địa lý của công nghệ xuống tận 1.300km về phía Tây Nam sau nhiều năm chỉ tìm thấy ở Tam giác Afar của Ethiopia.

Điều sốc nhất từ Nyayanga là lần đầu tiên, họ tìm thấy thứ có thể thuộc về chủ nhân của bộ công cụ - hai chiếc răng hàm, một cái nguyên vẹn, một cái gãy đôi.

Cuộc phân tích để mong tìm kiếm xem đó là loài nào của chi người đã cho kết quả ngoài sức tưởng tượng: Đó là vượn nhân hình Paranthropus, một anh em họ xa của con người chứ không phải chi Homo. Phân tích đồng vị carbon của men răng cho thấy "người" này có khả năng cao đã ăn những món được chế biến bằng kho công cụ đá đó.

Chi Paranthropus cũng thuộc tông Người nhưng không được coi là "con người", mà là một dạng vượn người, đã hoàn toàn tuyệt chủng; trong khi chi Homo còn sót lại một loài là Homo sapiens chúng ta.

Nhóm nghiên cứu kết luận: Các công cụ Oldowan thường được quy cho chi Homo, nhưng sự tồn tại chồng chéo của các vượn người khác như Paranthropus và bây giờ là hai chiếc răng làm bằng chứng, cho thấy con người không phải những kẻ duy nhất thành thạo việc chế tạo công cụ đá, thứ giúp họ ăn được nhiều món hơn.

Các nhà khoa học vẫn đang phân tích thêm các mẫu vật và cả những thứ khác tại di chỉ đặc biệt này nhằm đưa ra lời khẳng định cụ thể hơn. "Việc tìm thấy Paranthropus cùng các công cụ đá này sẽ mở ra một bí ẩn hấp dẫn" - tiến sĩ Potts nói.

Nghiên cứu sơ bộ vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science.

Cập nhật: 06/09/2024 NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video