Loài sóc bay khổng lồ, tắc kè bay, cá giao phối bằng đầu và một loài nhện không mắt sống trong hang là một số trong 367 loài mới được các nhà khoa học phát hiện tại Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng năm 2012-2013, và được mô tả trong báo cáo mới của WWF: Mekong Kỳ bí.
Báo cáo, được WWF phát hành vào ngày Môi trường Thế giới, giới thiệu nhiều loài không chỉ lạ mà còn đẹp. Trong số 15 loài được mô tả trong báo cáo có loài sóc bay (Biswamoyopterus laoensis), được phát hiện tại một khu chợ bán thịt thú rừng tại Lào. Với bộ lông màu đỏ và trắng đặc trưng, loài sóc bay Lào khổng lồ đánh dấu sự tồn tại của một chi của họ sóc bay ở khu vực Đông Nam Á.
Tại Cam-pu-chia, một loài chim chích mới được phát hiện trong một bãi cỏ giữa thủ đô Phnom Penh. Loài chim chích Campuchia (Orthotomus chaktomuk) lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2009 trong khi thực hiện chương trình kiểm tra cúm gia cầm định kì. Các thí nghiệm sau đó, từ bộ lông, tiếng hót cho đến gen của chúng đều khẳng định đây là một loài mới.
Chim chích bông Campuchia (Orthotomus chaktomuk). Ảnh: James Eaton/Birdtour Asia. Loài chim này có thân hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, bộ lông màu xám đậm cùng chòm lông màu đỏ cam trên đầu. Loài này hầu như chỉ sinh sống trong các quần thể cây bụi rậm rạp tại vùng đồng bằng ngập lũ sông Mekong, cạnh Phnom Penh.
“Những loài mới được phát hiện đã khẳng định Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng là một trong những khu vực trù phú và có độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới” – Tiến sỹ Thomas Gray, Quản lý chương trình Loài của WWF-Greater Mekong phát biểu. “Nếu chúng ta muốn bảo vệ các loài sinh vật mới này khỏi bị tuyệt chủng và nuôi hy vọng tìm thêm được các loài độc đáo khác trong tương lai, thì điều quan trọng cần phải làm ngay lúc này là chính phủ các nước đầu tư vào các chiến lược bảo tồn và phát triển xanh".
Tại Việt Nam, một loài dơi có hình thù kỳ dị lần đầu tiên được trông thấy tại đảo Cát Bà năm 2008. Tuy nhiên, phải một thời gian sau, khi một nhóm các nhà nghiên cứu bắt được thêm một số cá thể, chúng mới được xác định là một loài hoàn toàn mới. Loài dơi Grifin mũi lá (Hipposideros griffin) được nhận diện bởi chiếc mũi thịt kỳ cục có chức năng trợ giúp chúng trong việc định vị qua tiếng vang, tương tự như khả năng sử dụng sóng siêu âm để giúp chúng di chuyển.
Dơi mũi lá Griffin (Hipposideros griffini). Ảnh: Vu Dinh Thong/Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Hà Nội. Loài này được tìm thấy năm 2012, có một chiếc mũi kỳ dị, có tác dụng hỗ trợ định vị bằng tiếng vang để di chuyển. Loài này được tìm thấy ở độ cao 248m trên mực nước biển tại Vườn quốc gia Cát Bà trên đảo Cát Bà tại vịnh Hạ Long ở miền Bắc Việt Nam, và cả Vườn quốc gia Chu Mom Ray nằm trên đất liền cách đó hơn 1000km về phía Nam. Loài dơi này được tìm thấy ở những khu rừng có bàn tay tác động của con người và cả rừng sơ cấp.
Cũng tại Việt Nam, một loài cá tí hon và gần như trong suốt, với một cơ chế giải phẫu rất phức tạp đã được phát hiện. Phallostethus cuulong có cơ quan sinh sản nằm ngay dưới miệng. Chúng giao phối với nhau bằng đầu, với cơ quan sinh sản của con đực móc vào cơ quan sinh sản của con cái.
Trong số 21 loài lưỡng cư mới được ghi nhận trong báo cáo, có loài ếch bay Helen (Rhacophorus helenae) được phát hiện chỉ cách TP Hồ Chí Minh chưa đầy 100km. Loài ếch xanh lớn này không lọt vào tầm ngắm của các nhà sinh vật học cho đến tận bây giờ nhờ lướt giữa cách ngọn cây bằng các chi lớn và có màng; và chúng chỉ nhảy xuống để sinh sản trong các hồ nước mưa. Việc loài ếch bay Helen được phát hiện trong một vạt rừng nằm lọt giữa các khu đất nông nghiệp giúp nhấn mạnh sự cấp thiết của việc bảo tồn các khu rừng miền đất thấp.
Ếch xanh khổng lồ biết bay (Rhacophorus helenae). Ảnh: Jodi J L Rowley/Bảo tàng Úc. Loài ếch này có thể dài đến 10cm và nằm trong nhóm các loài ếch có khả năng bay tốt nhất
“Rừng nhiệt đới ở vùng đất thấp nằm trong số những vùng sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi các hoạt động của con người như khai thác gỗ hoặc các hoạt động làm môi trường bị xuống cấp”, Tiến sỹ Gray bổ sung. “Mặc dù loài ếch cây Helen chỉ vừa mới được phát hiện, thì loài này, cũng như nhiều loài khác, đã đang bị đe dọa bởi môi trường sống ngày càng bị thu hẹp".
Một loài động vật mới nữa có khả năng bay cao là loài tắc kè dù (Ptychozoon kaengkrachanense), được phát hiện tại khu rừng thường xanh tại vùng núi phía tây Vườn quốc gia Kaeng Krachan của Thái Lan. Loài tắc kè có lớp da ngụy trang này có thể kéo căng lớp da bên sườn và giữa các ngón chân để lao từ các cành cây xuống thân cây.
"Vườn quốc gia Kaeng Krachan là một trong số những khu vực ít được khám phá nhất tại khu vực Đông Nam Á. Đây là một khu vực hoang dã gần biên giới với Myanmar”. Tiến sỹ Gray cho biết. “Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi các loài tại Thái Lan và Myanmar, có một trong những quần thể hổ lớn nhất thế giới. Việc phát hiện ra những loài mới tại đây khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực bảo tồn của WWF và các đối tác tại khu vực thiên nhiên tuyệt vời này”.
Trong một hang động ở Lào, Tiến sỹ Peter Jäger đã phát hiện ra một loài nhện thợ săn mới (Sinopoda scurion) và cũng là loài nhện đầu tiên trên thế giới không có mắt. Sự tiêu giản của mắt ở loài nhện này là do chúng sống hoàn toàn trong môi trường không có ánh sáng.