Thỏi sáp màu bằng đất son dài 22mm giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cuộc sống thời Đồ đá giữa.
Các nhà khảo cổ tìm thấy một mẩu sáp màu bằng đất son 10.000 tuổi từng được dùng để vẽ lên da động vật hoặc vẽ tranh ở Scarborough, North Yorkshire, Anh, Fox News hôm 30/1 đưa tin.
Thỏi sáp màu 10.000 năm tuổi được tìm thấy ở Anh. (Ảnh: Fox News).
"Màu sắc là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống thời săn bắt và hái lượm. Đất son tạo ra màu đỏ rực rỡ, nó rất quan trọng trong thời Đồ đá giữa và có vẻ như được sử dụng theo nhiều cách", tiến sĩ Andy Needham từ khoa Khảo cổ học thuộc Đại học York, tác giả cuộc nghiên cứu, cho biết. Thời Đồ đá giữa kéo dài từ khoảng năm 20000 đến năm 5000 trước Công nguyên.
Needham chỉ ra những điểm tương đồng giữa vật dụng vừa được tìm thấy với bút sáp màu hiện đại. "Một trong những vật dụng mới nhất mà chúng tôi phát hiện trông giống hệt bút sáp màu, phần đầu được mài và có hình dạng chuyển từ tròn thành nhọn, chứng tỏ nó đã được sử dụng", ông giải thích.
Thỏi sáp màu chỉ dài khoảng 22mm và rộng 7mm. Nó giúp các nhà khoa học hiểu hơn về cuộc sống thời cổ đại ở khu vực này. Có thể đây từng là một nơi rất nhiều màu sắc, Needham nhận xét.
Các nhà khoa học phát hiện thỏi sáp màu ở gần nơi từng là một hồ nước thời cổ đại. Họ còn tìm được một viên đá màu khác ở phía bên kia hồ. Khu vực này nằm gần địa điểm khảo cổ nổi tiếng Star Carr. Năm 2015, người ta phát hiện một mặt dây chuyền và hơn 30 chiếc mũ bằng sừng hươu đỏ tại điểm khảo cổ này. Những chiếc mũ có thể được dùng để ngụy trang khi đi săn hoặc dùng trong các nghi lễ thời cổ đại.