Một ứng dụng di động vừa ra mắt có thể giúp mọi người dễ dàng phát hiện liệu mình có mắc bệnh ung thư tuyến tuỵ và một số căn bệnh khác hay không chỉ bằng cách chụp một tấm hình selfie!
Ung thư tuyến tuỵ là một trong những loại bệnh ung thư nguy hiểm nhất thế giới, chỉ khoảng 9% số người khỏi bệnh sau 5 năm đấu tranh với ung thư. Lý do là vì đây là căn bệnh không có triệu chứng báo hiệu bệnh rõ rệt và cũng không có công cụ nào để tìm ra khối u trước khi nó lan ra.
Ứng dụng này có tên là BiliScreen.
Một trong những triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tuỵ và nhiều loại bệnh khác là vàng da - da và mắt chuyển sang màu vàng - gây ra bởi sự tích tụ bilirubin (một loại sắc tố da cam - vàng hình thành trong gan do sự phân hủy của hemoglobin và bài tiết trong mật) trong máu. Tuy nhiên, "một vấn đề lớn đối với bệnh ung thư tuyến tuỵ là khi bạn có các triệu chứng rõ rệt tức là đã quá muộn", nghiên cứu sinh Alex Mariakakis tại Trường Kỹ sư và Khoa học Máy tính Paul G. Allen thuộc Đại học Washington, đồng tác giả của phần mềm cho biết.
Ứng dụng này có tên là BiliScreen. Ứng dụng sử dụng camera trên smartphone, cùng với các thuật toán xử lý thị giác máy tính và các công cụ "học máy" (machine learning) để phát hiện ra mức độ bilirubin tăng lên trong phần lòng trắng của mắt người. BiliScreen sẽ phân tích mắt người trong các bức ảnh selfie, phân tách phần lòng trắng mắt và sau đó phân tích thông tin về màu sắc tại vùng này dựa vào các bước sóng ánh sáng hấp thụ và phản chiếu, sau đó rút ra thông tin về lượng bilirubin dựa vào thuật toán học máy.
BiliScreen sẽ phân tích mắt người trong các bức ảnh selfie.
Nhóm nghiên cứu cũng đã thử dùng BiliScreen với hai món phụ kiện: một chiếc kính với viền vuông gồm các ô màu để giúp cân chỉnh màu sắc, và một chiếc hộp in 3D nhằm ngăn ánh sáng vào mắt quá nhiều. Kết quả cho thấy khi dùng với chiếc hộp in 3D cho ra kết quả chính xác hơn một chút.
Cụ thể, trong một đợt thử nghiệm trên 70 người tình nguyện tham gia, BiliScreen đã phát hiện đúng số ca bệnh tiềm ẩn lên đến 89,7% khi so với việc thử máu.
Việc thử máu để đo lượng bilirubin thường không được tiến hành trên người trưởng thành trừ khi có lý do đặc biệt, và cũng gây nhiều khó khăn trong việc giám sát thường xuyên.
Khắc phục nhược điểm này, BiliScreen được thiết kế rất dễ sử dụng, và kết quả nó đưa ra có thể giúp bạn biết có nên đến bác sỹ để kiểm tra kỹ hơn hay không. Bên cạnh chuẩn đoán, nó cũng giúp các bệnh nhân ung thu tuyến tuỵ giảm được gánh nặng phải thường xuyên theo dõi lượng bilirubin. "Chúng tôi hi vọng mọi người có thể làm bài test đơn giản này mỗi tháng một lần, ngay tại nhà mình, để có thể sớm phát hiện bệnh và nhanh chóng chữa trị".
BiliScreen với hai món phụ kiện: một chiếc kính với viền vuông gồm các ô màu để giúp cân chỉnh màu sắc.
Trên người trưởng thành thì đôi mắt nhạy cảm hơn nhiều so với da khi lượng bilirubin thay đổi (là dấu hiệu ban đầu của nhiều bệnh như ung thư tuyến tuỵ, viêm gan, hay triệu chứng Gilbert). Không giống như màu da, những thay đổi trên lòng trắng mắt có thể dễ dàng nhận biết hơn kể cả khi bạn da đen, da vàng, da trắng, hay thuộc bất kỳ chủng tộc nào.
Tất nhiên, khi người ta bắt đầu nhận thấy dấu hiệu đổi màu vàng trên lòng trắng mắt một cách rõ ràng thì lượng bilirubin đã vượt quá mức đáng lưu ý; do đó các nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách để đẩy mạnh các công cụ machine learning để có thể phát hiện ra sự đổi màu trong mắt trước cả khi con người có thể tự nhận thấy.
BiliScreen được viết nên dựa trên mã nguồn của Ubiquitous Computing Lab - phòng thí nghiệm trước đây từng phát triển ứng dụng điện thoại BiliCam dùng để phát hiện bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh thông qua việc chụp ảnh em bé. Được biết, BiliCam đã phát hiện chính xác lên đến 530 trường hợp trẻ sơ sinh.
Ứng dụng này sẽ được chính thức giới thiệu vào ngày 13/9 tới đây tại Ubicomp 2017. Ứng dụng được tài trợ bởi Hiệp hội khoa học quốc gia của Mỹ, Quỹ Coulter và Quỹ nghiên cứu Washington.