Được tìm thấy ở vùng biển tối tăm băng giá ngoài khơi Alaska, một loài bọt biển nhỏ màu xanh lá cây đang được kỳ vọng là vũ khí hiệu quả đầu tiên chống bệnh ung thư tuyến tụy.
Ung thư tuyến tụy là dạng ung thư rất khó điều trị do các khối u có khả năng xâm lấn mạnh. Một nhóm các nhà khoa học Mỹ ngày 26/7 cho biết sau thời gian dài nghiên cứu, họ đã tìm ra "vũ khí" chống lại bệnh này.
Đó là loài bọt biển nhỏ màu xanh lá tên Latrunculia austini sống ở vùng nước tăm tối băng giá ngoài khơi Alaska dưới độ sâu 70-219m.
Loài bọt biển màu xanh lá cây được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi Alaska - (Ảnh: AFP).
Bob Stone - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Nghề cá Alaska thuộc Cục quản lý Khí tượng và Hải dương Mỹ (NOAA), ông tình cờ tìm thấy Latrunculia austini trong một chuyến thám hiểm đáy biển ở Alaska năm 2005.
"Thoạt nhìn, không ai nghĩ rằng miếng bọt biển này có thể có phép màu", ông nói với AFP.
Mark Hamann - nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Nam Carolina, cho biết các kiểm tra ở phòng thí nghiệm cho thấy nhiều phân tử trong loại bọt biển này có thể tiêu diệt có chọn lọc các tế bào ung thư tuyến tụy.
"Đây chắc chắn là phân tử chống lại ung thư tuyến tụy mạnh nhất mà chúng tôi từng thấy", Hamann nói. "Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, phát hiện này đánh dấu bước đi quan trọng đầu tiên trong quá trình khám phá và phát triển một phương pháp mới điều trị ung thư", ông thêm.
Ung thư tuyến tụy tiến triển chậm nên thường được phát hiện muộn, đồng nghĩa bệnh nhân ít có cơ hội được điều trị thành công. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, cơ hội sống sót của người bị ung thư tuyến tụy chỉ có 14%.
Tại Mỹ, ước tính năm 2017 có 53.670 trường hợp mới mắc ung thư tuyến tụy được phát hiện và hơn 43.000 người sẽ tử vong.