Phát huy nguồn gien quý

Hiện nay ở nước ta lĩnh vực nghiên cứu tạo sinh vật biến đổi gien, nghiên cứu chuyển gien vào cây trồng (GM) đang được tiếp cận, đầu tư và triển khai nghiên cứu, ứng dụng với sự chú trọng đặc biệt. Nhiều gien quý có giá trị ứng dụng như năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu đã được phân lập và nghiên cứu nhằm chuyển vào cây trồng để tạo nên những giống lý tưởng.

Giống cây trồng truyền thống của Việt Nam rất phong phú. Theo thống kê, nước ta có tới 1.810 giống ngô, 75 giống khoai lang, 114 giống lạc, 224 giống đậu đỗ, 33 giống đay, 48 giống dâu... Các nhà khoa học cũng cho rằng, Việt Nam là một trong những cái nôi của cây lúa nước. Cả nước có tới 2.000 giống lúa cổ truyền, trong đó có 206 giống lúa nếp, hiện vẫn còn những loài lúa hoang dại trong thiên nhiên.

Qua quá trình canh tác hàng nghìn năm, Việt Nam đã lưu chọn, tạo được nhiều giống lúa quý, chất lượng nổi tiếng. Riêng về lúa nếp đã tới ba bốn chục giống. Thí dụ: giống nếp hương, nếp hoa vàng, nếp rồng Nghệ An, nếp chân voi, nếp cà cuống, nếp dâu, nếp cánh sẻ, nếp bầu... Do quá trình chọn lọc, trồng cấy hàng nghìn đời nên chúng có khả năng thích nghi và chịu đựng tốt với môi trường ruộng đồng. Ðây thật sự là quỹ gien phong phú, đa dạng, một nguồn gien hết sức quý giá.

Theo TS Lê Thị Thu Hiền, hiện nay ở nước ta lĩnh vực nghiên cứu tạo sinh vật biến đổi gien, nghiên cứu chuyển gien vào cây trồng (GM) đang được tiếp cận, đầu tư và triển khai nghiên cứu, ứng dụng với sự chú trọng đặc biệt. Nhiều gien quý có giá trị ứng dụng như năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu đã được phân lập và nghiên cứu nhằm chuyển vào cây trồng để tạo nên những giống lý tưởng. Nhiều phương pháp chuyển gien khác nhau như phương pháp bắn gien, phương pháp sử dụng vi khuẩn. A.tumefaciens... đã được áp dụng thành công trên hàng loạt cây trồng quan trọng như lúa, cà chua, cà tím, đậu xanh, cà-phê, thuốc lá, khoai lang. Những vấn đề thiết kế vector cũng như hoàn thiện các quy trình tái sinh cây khởi đầu cho nghiên cứu chuyển gien cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Hiện nay, phần lớn các nghiên cứu liên quan đến cây trồng GM tập trung tại Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các nhà khoa học đã tiến hành thu nhập và phân lập được nhiều nguồn gien quý có giá trị nông nghiệp như gien chịu hạn, lạnh ở lúa; gien cry, gien mã hóa protein bất hoạt hóa ở cây mướp đắng và gien mã hóa của cây đậu cô ve có hoạt tính diệt côn trùng; gien kháng bọ, hà khoai lang của vi khuẩn Bt; gien mã hóa protein vỏ của virus gây bệnh đốm vòng ở cây đu đủ... Hiện các nhà sinh học Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu để chuyển gien vào cây hoa, cây bông và cây lâm nghiệp, nhằm nâng cao sức chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi.

Những nghiên cứu tăng cường tính chịu hạn và chịu mặn ở cây lúa bằng công nghệ GM, chuyển gien kháng virus đốm vòng vào cây đu đủ, chuyển gien chịu hạn vào cây bông... cũng đang được triển khai hiệu quả với một số loài cây GM.

Tại Viện Sinh học nhiệt đới, bằng phương pháp chuyển gien thông qua vi khuẩn hoặc phương pháp bắn gien, các nhà khoa học đã tạo được các cây thuốc lá, lúa, đậu xanh, cải bông, cải xanh và cây cà tím GM mang gien cry kháng côn trùng, gien kháng thuốc diệt cỏ. Hiện nay, các nhà khoa học đang thực hiện việc chuyển gien vào cây thân gỗ sử dụng vi khuẩn mang gien cry kháng côn trùng, gien kháng thuốc diệt cỏ... Nhà sinh học Lã Tuấn Nghĩa và các cộng sự cũng đã thu được những thành công trong việc chuyển gien kháng kanamycin vào cà chua. Nhóm nhà khoa học Phan Tố Phượng và cộng sự cũng đã thành công trong việc sử dụng phương pháp gián tiếp qua vi khuẩn đất A. tumefaciens để chuyển gien vào cây Arabidopsis. Chính nhóm tác giả này, năm 1989 đã công bố kết quả chuyển gien Xa 21 vào giống lúa Việt Nam sử dụng súng bắn gien.

Gần đây, nhóm nghiên cứu của Ðặng Trọng Lương đã tiến hành thiết kế vector và chuyển gien cry vào cây cải bắp. Các nghiên cứu chuyển gien kháng thuốc diệt cỏ và kháng bệnh khô vằn vào giống lúa DT 10, DT 13; gien kháng bệnh bạc lá vào giống lúa VL 902; gien kháng sâu tơ vào cải bắp CB 26; Xa 21 và gien mã hóa B-caroten vào lúa Indica... cũng đang được triển khai với những kết quả khả quan. Kết quả của những nghiên cứu trên là cây chuyển gien được tạo ra và lưu giữ trong phòng thí nghiệm và trong nhà kính. Tuy nhiên, những cây trồng này mới chỉ tồn tại ở quy mô thí nghiệm và chờ thử nghiệm. Hiện nay, chúng ta chưa có quy chế cho việc tiến hành thử nghiệm các cây trồng này ở đồng ruộng.

Nhà nước ta đã xác định công nghệ sinh học là một ngành khoa học quan trọng. Từ năm 1990, Chương trình công nghệ sinh học quốc gia đã được cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt trong cải tiến giống cây trồng. Từ năm 2001, Chính phủ đã đầu tư nhiều dự án, đề tài nghiên cứu GM liên quan đến nhiều cây trồng quan trọng của Việt Nam. Một số phòng thí nghiệm công nghệ sinh học đã và đang được Nhà nước đầu tư trang thiết bị hiện đại và triển khai các kỹ thuật cơ bản của công nghệ gien như phân lập và xác định trình tự gien, thiết kế và biến nạp gien vào tế bào vi sinh vật, động vật, nghiên cứu biểu hiện gien... Nhờ các biện pháp và chính sách khuyến khích, đầu tư hiệu quả đó, công nghệ sinh học ở nước ta vài năm gần đây đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

KIÊN CHINH

Theo Nhân dân
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video