Các nhà khoa học tại trường Đại học Edinburgh (Scoland) vừa công bố một phát minh khoa học liên quan đến khâu thiết kế máy phát điện chạy bằng sức gió, hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về phong điện cho thế giới.
Hai nhà khoa học Markus Mueller và Alasdair McDonald đã giải quyết vấn đề đau đầu nhất đối với ngành công nghiệp phong điện hiện nay, đó là máy phát điện chạy bằng sức gió, hiện giá thành vẫn quá cao, hoạt động thiếu ổn định và hiệu suất khai thác thấp, chưa thể được ứng dụng phổ biến trong cuộc sống.
Tuabin của các thế hệ máy phát điện sức gió hiện nay có cánh quạt được nối với thiết bị phát điện thông qua một hộp số. Do được lắp đắt chủ yếu ở ngoài biển, trong điều kiện thời tiết xấu, hệ thống này rất dễ bị hư hại và việc khắc phục chúng cực kỳ tốn kém.
Các nhà khoa học đã phát minh một kết cấu mới cho phép gắn cánh quạt trực tiếp với máy phát, qua đó giảm được trọng lượng của máy phát tới một nửa và việc lắp đặt trở nên dễ dàng hơn nhiều. Khi máy phát điện sức gió rẻ hơn, chúng sẽ được lắp đặt phổ biến không chỉ ở ngoài khơi, mà cả trong đất liền.
Hai nhà khoa học trên đã thành lập một công ty có tên NGen Tec để thương mại hóa phát minh của mình. Trường Đại học Edinburgh đã mua 17,5% cổ phần và hy vọng đây sẽ là doanh nghiệp trực thuộc mang lại nhiều lợi nhuận nhất./.