Phát minh mới của Thái Lan đang được nhiều người quan tâm và đón đợi vì sẽ giải quyết được tình trạng hôi chân - vấn đề sức khỏe tuy không quá nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
Hôi chân (bromodosis) không phải là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, nhưng lại khiến không ít người khó chịu và làm mất đi sự tự tin cần thiết trong giao tiếp và sinh hoạt thường nhật.
Bất cứ ai cũng có thể bị hôi chân, đặc biệt là vào mùa đông khi chúng ta thường xuyên đi giày, tất (vớ).
Rỗ da chân là một trong những nguyên nhân khiến chân luôn có mùi hôi - (Ảnh: SHUTTERSTOCK)
Mùi hôi chân đến từ nhiều nguyên nhân, thường do vi khuẩn tích tụ sau khi dùng tất (vớ) trong thời gian dài, mồ hôi ra nhiều gây mùi hôi; hoặc do bệnh rỗ da chân khiến các lớp da bị khô bong, tích tụ vi khuẩn và tạo mùi hôi.
Từ trước tới nay, hầu hết mọi người thường áp dụng nhiều mẹo vặt để ngăn mùi hôi chân như ngâm chân nước muối ấm, dùng các loại bột khô, thảo mộc... Tuy nhiên, các cách này chỉ ngăn được mùi tại thời điểm đó mà không có cách gì chữa triệt để.
Phương pháp mới mà các nhà khoa học ở Thái Lan áp dụng là một lớp phủ được làm từ các hạt nano oxit kẽm (ZnO-NP). Lớp hạt nano này sẽ được phủ vào các đôi tất trong quá trình sản xuất may mặc, có tác dụng tiêu diệt triệt để loại vi khuẩn Staphylococcus gây hôi chân.
Các nhà khoa học tại Bệnh viện Siriraj (thuộc Đại học Mahidol) thực hiện nghiên cứu này từ năm 2018 về tỉ lệ nhiễm nấm chân ở các học viên hải quân Thái Lan.
Tiến sĩ Punyawee Ongsri cho biết nhóm nghiên cứu của ông phát triển lớp phủ nano này dựa trên thành công của các nghiên cứu trước đó về tính chất kháng khuẩn của các hạt nano oxit kẽm. Sau khi nhận thấy có rất nhiều sĩ quan hải quân, nhân viên văn phòng bị hôi chân, các nhà khoa học tìm cách áp dụng lớp phủ nano trên tất và quần áo để ngăn hôi chân và nấm.
Hiện tại nhóm đã thử nghiệm cho các quân nhân dùng đôi tất có tráng phủ nano. Kết quả cho thấy những người dùng tất có phủ nano ít hoặc không còn bị hôi chân, trong khi những người dùng tất bình thường bị hôi chân rất nặng.
Các nhà khoa học cũng cho biết các đặc tính kháng khuẩn của ZnO-NP không gây hại cho da người nên có thể áp dụng rộng khắp trên mọi mặt hàng dệt may.
Hiện tại các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu lớp phủ nano trên các loại vải dệt khác, hi vọng có thể điều trị và ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm.