Các nhà khoa học phát triển thành công than sinh học từ hai phế phẩm nông nghiệp cho khả năng hấp thụ chất gây ô nhiễm trong nước.
Bã cây cúc cao su (Parthenium argentatum) và quả bông sau khi tách sợi là hai nguồn phế phẩm dồi dào trong nông nghiệp. Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Biochar hôm 16/11, các chuyên gia từ Đại học bang Pennsylvania của Mỹ cho biết đã tìm ra cách biến những vật liệu bỏ đi này thành than sinh học có khả năng hấp thụ các "hợp chất dược phẩm" gây ô nhiễm phổ biến trong nước.
Than sinh học từ bã cây cúc cao su (trái) và phế phẩm quả bông. (Ảnh: Đại học bang Pennsylvania).
"Hầu hết các nhà máy xử lý nước thải hiện nay không được trang bị để loại bỏ hợp chất dược phẩm độc hại. Nếu chúng được hấp thụ bởi than sinh học, chúng ta có thể tái chế nước thải thành nước tưới. Điều này rất có ý nghĩa với các khu vực như Tây Nam nước Mỹ, nơi đang thiếu nước để sản xuất cây trồng", Giáo sư Herschel Elliott từ Đại học bang Pennsylvania cho hay.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tập trung vào ba hợp chất dược phẩm phổ biến là docusate (loại muối được sử dụng làm thuốc nhuận tràng), erythromycin (loại kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng, mụn trứng cá) và sulfapyridine (loại thuốc kháng khuẩn không còn được kê đơn cho người nhưng vẫn được sử dụng trên động vật).
Kết quả nghiên cứu cho thấy than sinh học làm từ phế phẩm quả bông cho hiệu quả lọc nước cao nhất với khả năng hấp thụ tới 98% docusate, 74% erythromycin và 70% sulfapyridine. Bã cây cúc cao su cho hiệu quả lọc thấp hơn nhưng vẫn ở mức cao, cụ thể là 50% docusate, 50% erythromycin và 5% sulfapyridine.
Một vườn cúc cao su trồng để chiết xuất mủ ở Mỹ. (Ảnh: DAFWA).
"Phần sáng tạo nhất trong nghiên cứu này là việc sử dụng bã cây Parthenium argentatum, một loại cây bụi dùng để chiết xuất mủ cao su rất phổ biến ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên loại vật liệu này được sử dụng làm than sinh học để loại bỏ chất gây ô nhiễm trong nước", đồng tác giả Marlene Ndoun, nghiên cứu sinh tại Đại học bang Pennsylvania, nhấn mạnh.
Phế phẩm quả bông mặc dù đã từng được sử dụng để làm than sinh học trước đây, nhưng nghiên cứu này mới là lần đầu tiên các nhà khoa học chú ý đến khả năng hấp thụ hợp chất dược phẩm của nó.
Trong giai đoạn tiếp theo, Ndoun cùng các cộng sự muốn mở rộng quy mô nghiên cứu và áp dụng phương pháp lọc nước bằng than sinh học này vào thực tế. Nếu thành công, nó rất lý tưởng để sử dụng ở các quốc gia châu Phi cận Sahara, nơi mọi người không có điều kiện tiếp cận với các thiết bị tinh vi để lọc nước.