Tàu thăm dò ExoMars đã rời bệ phóng thành công, bắt đầu hành trình xuyên không gian dài 7 tháng để tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên hành tinh đỏ.
Tên lửa đẩy Proton-M mang theo tàu thăm dò ExoMars được phóng đi từ sân bay vũ trụ Baikonur Cosmodrome ở Kazakhstan vào lúc 9h31 ngày 14/3 (16h30 giờ Hà Nội). Để đến sao Hỏa, con tàu phải vượt qua quãng đường 483 triệu km, Daily Mail đưa tin.
Hình minh họa tàu ExoMars khi đến sao Hỏa. (Ảnh: Daily Mail).
Trong lĩnh vực khám phá vũ trụ, việc phóng thành công ExoMars đánh dấu một cột mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác giữa Nga và châu Âu. Giới nghiên cứu tin rằng tàu thăm dò sẽ tìm được những bằng chứng mạnh mẽ về sự tồn tại của sự sống ngoài trái đất, có thể là ở hiện tại hoặc trong quá khứ.
ExoMars nặng 4,3 tấn, bao gồm cả nhiên liệu. Để tách khỏi khí quyển, con tàu phải bay lên với gia tốc cao. Do đó, các nhà khoa học đã chọn loại tên lửa lớn là Proton-M, tiến sĩ Michael Khan của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết.
Tên lửa mang theo ExoMars dời bệ phóng. (Ảnh: AP).
Theo dự kiến, ExoMars sẽ đến nơi vào ngày 19/10. Tàu sẽ phân tích chi tiết bề mặt sao Hỏa để xác định xem khí metan được phát ra từ nguồn địa chất hay sinh học, từ đó tìm ra dấu hiệu sự sống trên hành tinh đỏ.
Ở trái đất, một trong những nguồn cung cấp khí metan đến từ vi khuẩn. Hàng tỷ tỷ vi khuẩn tạo ra metan, trong đó có một số loại lại phát triển rất mạnh trong ruột động vật, từ trâu bò đến mối. Tuy nhiên, khí metan cũng có thể bắt nguồn từ hoạt động núi lửa. Lần theo dấu khí metan trên sao Hỏa có thể giúp vẽ ra bản đồ phân bố metan theo mùa trên hành tinh, nhà khoa học Daniel, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) nói.