Phòng thí nghiệm mô phỏng môi trường vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu hoạt động thử nghiệm, giúp kiểm tra vệ tinh và tàu vũ trụ trước khi phóng.
Máy mô phỏng tái tạo các điều kiện chuyên biệt của vũ trụ. (Ảnh: Weibo).
Các máy mô phỏng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân ở đông bắc Trung Quốc được thiết kế để tái tạo điều kiện ngoài khí quyển Trái Đất, bao gồm vi trọng lực, từ trường yếu, bức xạ điện từ, plasma và bụi vũ trụ, South China Morning Post hôm 2/7 đưa tin. Dự án mang tên "trạm vũ trụ mặt đất" do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc đồng phát triển với Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (HIT).
So với phòng thí nghiệm trong vũ trụ, các máy mô phỏng rẻ, an toàn và thuận tiện hơn để tiến hành thí nghiệm. Li Liyi, giám đốc Viện Môi trường vũ trụ và Khoa học vật liệu của HIT, cho biết mục đích của "trạm vũ trụ mặt đất" là xây dựng nền tảng để nghiên cứu cơ bản trên Trái Đất tương tự môi trường không gian thực sự.
Mỗi buồng tái tạo một nhóm điều kiện khác biệt, bao gồm mô phỏng môi trường bề mặt Mặt trăng. Các nhà khoa học có thể sử dụng máy mô phỏng Mặt trăng để nghiên cứu quá trình hình thành bụi và tác động của nó tới tàu vũ trụ, bộ đồ bảo hộ và phi hành gia, qua đó giúp chuẩn bị nhiệm vụ chở người hạ cánh xuống Mặt trăng. Một máy mô phỏng khác là buồng môi trường bức xạ, giúp nghiên cứu và thử nghiệm vệ tinh cũng như bộ phận tàu vũ trụ. Buồng từ trường sẽ tái tạo vi từ trường, cho phép kiểm tra nhiều thiết bị trước khi phóng.
Lin Xiqiang, phó giám đốc Cơ quan vũ trụ có người lái, cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu đưa phi hành đoàn đầu tiên tới Mặt trăng năm 2030. Công tác chuẩn bị đang diễn ra với hoạt động nghiên cứu và phát triển mọi hệ thống tương ứng, bao gồm tên lửa đẩy Trường Chinh 10 mới, tàu vũ trụ, trạm đổ bộ bề mặt Mặt trăng và bộ đồ phi hành gia. Theo Xinhua, ngoài nhà nghiên cứu Trung Quốc, các viện đến từ hơn 30 quốc gia đã ký thỏa thuận sử dụng phòng thí nghiệm.