Có những blog không đơn thuần chỉ là chuyện riêng tư mà khi đọc những bài viết ấy, người ta biết được nhiều thông tin như một tờ báo nho nhỏ. Những “blog báo chí” đó được tổ chức như một tòa soạn và được điều hành bởi một êkip hẳn hoi.
“Nhóm báo chí Đức”
Chỉ mới ra đời khoảng cuối năm 2006 nhưng blog “nhóm báo chí Deutschland” đã có 44 bài viết mô tả đời sống phong phú của du học sinh, đời sống của kiều bào trên đất Đức.
Cuối năm, vào blog của những sinh viên ham thích viết lách cũng bắt gặp không khí tết rộn ràng với những ký ức nao lòng khi nghĩ về tết Hà Nội, tết Sài Gòn và cả hướng dẫn làm bánh chưng. Ở những thời điểm khác, các bạn cũng có những bài viết theo kịp tình hình thời sự được rất nhiều sinh viên quan tâm. Bạn Huy Vũ, nhóm trưởng, cho biết: “Chúng tôi là những sinh viên VN sống và học tập trên khắp nước Đức có cùng sở thích viết lách nên tập trung lại với nhau. Bài vở các bạn gửi về nếu bài nào hay tôi gửi cho các báo trong nước hay báo người Việt ở Đức”.
Cả “nhóm báo chí Đức” trong một chuyến dã ngoại - Ảnh: CTV |
Nhóm cũng tập trung vào những vấn đề nóng của sinh viên tại Đức như chùm bài viết về việc tăng thuế và những ảnh hưởng của nó đối với đời sống du học sinh Đức. Thùy Dương nhận xét: “Em nghĩ nó sẽ giúp các bạn ở VN có dự định sang đây du học hình dung rõ hơn về cuộc sống hiện tại ở nước Đức. Trước đây nước Đức thu hút du học sinh vì chính sách miễn học phí. Bây giờ ưu thế này không còn. Các trường đại học đã tiến hành thu học phí từ năm 2006. Với những bạn chọn du học ở Đức, tức là có hoàn cảnh gia đình không dư dả nhiều thì 1.000 - 12.000 euro một năm cũng là cả một vấn đề. Điều này ảnh hưởng đến quyết định “đi hay ở”, “Đức hay một nước khác” của sinh viên VN”.
Gặp gỡ một số bạn trong nhóm báo chí Đức dễ nhận thấy sự nhiệt tình và lòng yêu thích viết lách trước những trăn trở với đời sống của những sinh viên xa nhà. Cả nhóm đang cố gắng tập trung các bài viết phản ánh cuộc sống của sinh viên kiều bào tại Đức để người đọc trong nước có thể theo dõi như một cầu nối giao lưu.
Kiếm tiền từ viết blog!?
Xuất thân từ sinh viên Phân viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội, Cao Mạnh Tuấn làm blog “Người đưa tin” với nhiều thông tin về các lĩnh vực xã hội, hoạt động từ thiện, văn hóa, giải trí... Đó có thể là cuộc khẩu chiến trên mạng của hai cô gái và “người đưa tin” dẫn ra hàng loạt nhận định về cuộc sống trên thế giới ảo để người đọc hiểu rõ hơn cuộc sống của giới trẻ. Không chỉ vậy, blog “Người đưa tin” còn có những bài viết về các hoạt động xã hội, đề tài đang được dư luận quan tâm, đều được chủ nhân thể hiện rất gần gũi và dễ đọc.
Cao Mạnh Tuấn cho rằng sự phát triển ồ ạt của blog cùng vùng phủ sóng, khả năng cập nhật thông tin tức thì đã biến các blogger thành phóng viên tự do. Họ có mặt mọi nơi, tham dự tất cả các sự kiện nóng, vào bất cứ giờ nào. Ngay cả các phóng viên cứng cựa cũng khó có thể làm được điều này. Một bí mật nho nhỏ của các phóng viên, họ cũng khai thác thông tin không ít từ blog và đưa lên bài viết của mình không một dòng trích dẫn.
Mạnh Tuấn cũng nhận ra việc viết blog hoàn toàn có thể kiếm được tiền. “Người đưa tin” cho rằng đây sẽ là sự kiện tạo “hot” trong năm 2007. Mặc dù trên thế giới đây không còn là nghề xa lạ nhưng đối với VN, việc tung ra những suy nghĩ riêng tư, nói tự do những gì mình thấy mà có tiền là chuyện rất mới mẻ. Sự kiện này có thể tạo ra một làn sóng viết blog mới, sinh ra những thiên tài kiếm tiền mới (?!).
Hàn Thạch