Việc ưu tiên cứu phụ nữ và trẻ em khi tàu chìm phần lớn chỉ là huyền thoại, một nghiên cứu mới cho thấy.
Theo BBC, các nhà nghiên cứu tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) đã dựa trên những người sống sót từ 18 thảm họa hàng hải trong ba thế kỷ qua để chỉ ra rằng phụ nữ thường gặp bất lợi khi xảy ra thảm họa chìm tàu.
Trong khi đó, thuyền trưởng và các nhân viên trên tàu lại có tỷ lệ sống sót cao hơn.
Thảm họa đắm tàu Titanic cách đây 100 năm được xem là một ngoại lệ hiếm hoi vì thuyền trưởng đã đe dọa bắn chết những người không tuân theo mệnh lệnh, đó là để phụ nữ và trẻ em xuống thuyền cứu sinh trước.
Tuy nhiên, ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em vẫn là quy tắc thông dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Vụ đắm tàu HMS Birkenhead vào ngày 26/2/1852 được xem là khởi đầu cho ý tưởng ưu tiên cứu phụ nữ và trẻ em. Do có quá ít thuyền cứu sinh trên tàu nên phụ nữ và trẻ em được ưu tiên trong khi đàn ông phải tự bơi trên biển.
Kết quả là 191 người sống sót và 365 người chết trong thảm họa này.
Mikael Elinder và Erixson Oscar, tác giả của nghiên cứu, nói rằng thuyền trưởng có quyền thực thi các quy tắc.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết thì mỗi người đàn ông lại tự lo cho mình.
Khi tàu SS Arctic (Mỹ) bị chìm vào tháng 9/1854, phụ nữ và trẻ em được ưu tiên lên thuyền cứu sinh. Tuy nhiên, các thuyền viên lại là người giành lên trước bỏ mặc yêu cầu của thuyền trưởng. Kết quả là 227 người chết bao gồm tất cả phụ nữ và trẻ em. 41 người sống sót chủ yếu là thuyền viên.
Với trường hợp tàu MS Estonia chìm dưới biển Baltic vào năm 1994, việc di tản các hành khách xuống thuyền cứu sinh trở lên khó khăn hơn vì tình trạng lúc bấy giờ rất hoảng loạn do đó không có sự ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em.
Hậu quả, 852 người chết do bị mắc kẹt bên trong tàu. 137 người sống sót.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, khoảng cách giới trong tỷ lệ tử vong vì thảm họa đắm tàu đã được thu hẹp. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ được ưu tiên hơn.