Các nhà khoa học đã tạo ra một thiết bị tí hon gắn dưới lưỡi, có thể điều trị hiệu quả chứng ngủ ngáy.
Thiết bị chống ngủ ngáy Hypoglossal Nerve Stimulation System (HNSS) được phát triển bởi các nhà khoa học thuộc bệnh viện Sir Charles Gairdner ở Perth (Australia) có thể giúp giảm hơn 50% triệu chứng ngưng thở khi ngủ.
Thiết bị HNSS giúp giảm 50% triệu chứng ngủ ngáy
Chứng ngưng thở khi ngủ (SAS - Sleep Apnes Syndrome: SAS)- một nguyên nhân chính gây ra ngủ ngáy - ảnh hưởng khoảng 4% đàn ông và 2% phụ nữ trên thế giới. Hiện tượng SAS khi ngủ xảy ra khi lưỡi và các mô mềm trong họng ngăn cản khí ôxy đi qua họng. Chứng bệnh này có thể gây mệt mỏi vào ban ngày, giảm cân, huyết áp cao, thậm chí cả bệnh tim mạch và đột quỵ.
Một trong những phương pháp điều trị SAS hiện nay là sử dụng mặt nạ giúp hỗ trợ hô hấp trong khi ngủ. Tuy nhiên, nhiều người không thích đeo mặt nạ do bất tiện.
Trong khi đó, thiết bị HNSS được lập trình chỉ làm việc khi bệnh nhân đã ngủ thông qua một thiết bị cảm biến tí hon kết nối không dây được gắn ở khí quản. Nếu phát hiện áp suất không khí trong khí quản bị nén quá lâu, thiết bị này sẽ gửi tín hiệu để kích hoạt hệ thống HNSS và hệ thống này kích thích dây thần kinh điều khiển các cơ của lưỡi, giúp không khí có thể lưu thông.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm gắn HNSS dưới lưỡi cho 21 bệnh nhân từ 43-63 tuổi mắc SAS mãn tính. Sau 6 tháng thử nghiệm, kết quả cho thấy mức độ trầm trọng của những bệnh nhân này đã giảm từ 43 điểm xuống 19,5 điểm.
Tỷ lệ buồn ngủ vào ban ngày ở những người được gắn thiết bị cũng giảm 1/3 và chất lượng cuộc sống tăng 50%. Hiện tại, một cuộc thử nghiệm tương tự đang được tiến hành với 30 bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ.