Poster phim "Nàng tiên cá" bị châm biếm vì sai kiến thức khoa học cơ bản

Hình poster để quảng bá cho bộ phim "Nàng tiên cá" phiên bản người đóng do hãng phim Disney sản xuất đã khiến nhiều nhà sinh vật học bức xúc vì sai trầm trọng kiến thức khoa học.

Bộ phim "The Little Mermaid" (Nàng tiên cá) phiên bản người đóng do hãng phim Disney sản xuất đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả khi chọn nữ diễn viên da màu Halle Bailey để vào vai nàng tiên cá Ariel, vốn đã rất quen thuộc với hình ảnh một cô gái da trắng tóc đỏ trong bộ phim hoạt hình cùng tên ra mắt vào năm 1989.

Mới đây, bộ phim này tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi và bị nhiều cư dân mạng đem ra châm biếm vì sai kiến thức về khoa học.

Theo đó, để quảng bá cho bộ phim "Nàng tiên cá" phiên bản người đóng, dự kiến sẽ được ra rạp vào cuối tháng 5 tới đây, hãng phim Disney vừa tung ra poster chính thức của phim. Nội dung của poster cho thấy nữ diễn viên Halle Bailey, trong vai nàng tiên cá, ngồi ngay chính giữa và xung quanh có rất nhiều sinh vật biển khác nhau.

Tuy nhiên, nhiều nhà sinh vật học đã lập tức nhận ra điều bất ổn trong tấm poster này.

Theo Spark Chao, tiến sĩ ngành sinh vật biển, hiện đang làm việc tại Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Biển Quốc gia Đài Loan, những sinh vật biển xuất hiện trong tấm poster không thể xuất hiện cùng nhau, khi chúng sống tại những đại dương khác nhau.

Đáng chú ý, trong tấm poster còn xuất hiện cả những loài cá nước ngọt, vốn không thể sống trong nước biển. Đây là kiến thức khoa học cơ bản mà ai cũng biết, nhưng không rõ vì sao đoàn làm phim lại phạm sai lầm nghiêm trọng như vậy.


Poster chính thức của phim nàng tiên cá.

Spark Chao cũng nhận ra rằng chú cua Sebastian, bạn thân của nàng tiên cá Ariel, vốn là một con cua hoàng đế trong phim hoạt hình, nhưng đã được Disney cải biên lại thành một con cua đất đỏ trong phiên bản phim người đóng. Điều đáng nói, cua đất là loài cua sống trên cạn chứ không phải sống dưới biển, do vậy, việc Sebastian trở thành bạn thân và bơi lội cùng nàng tiên cá Ariel là điều không thể xảy ra.

Bài đăng của Spark Chao trên Facebook đã nhanh chóng "gây sốt" mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng đã châm biếm hãng phim Disney vì những sai sót khó chấp nhận trong một bộ phim về đại dương.

"Có vẻ như các nhà làm phim Disney đã quên không tham khảo các nhà sinh vật học khi thực hiện bộ phim này. Hay đối với họ đây chỉ là những chi tiết nhỏ nên không ai chú ý đến?", một người dùng Facebook bình luận.

Một vài ý kiến cho rằng bộ phim "Nàng tiên cá" là phim giả tưởng được chuyển thể từ cổ tích, do vậy không nên áp dụng các kiến thức khoa học ngoài đời sống vào phim. Tuy nhiên, nhiều người đã phản bác ý kiến này và cho rằng sai sót ở poster của phim cho thấy sự cẩu thả khó chấp nhận của đoàn làm phim.

Cùng với poster, Disney cũng vừa đăng tải trailer trọn vẹn của bộ phim "Nàng tiên cá" lên Youtube. Chỉ sau ít ngày, video này đã thu hút hơn 8,5 triệu lượt xem, nhưng cùng với đó là "cơn bão" Dislike, khi có đến 90% lượt bày tỏ cảm xúc cho video này là "Dislike" (Không thích) và chỉ 10% lượt nhấn "Thích".


Hình ảnh nàng tiên cá chơi đùa với một chú cá nóc xuất hiện trong trailer của phim, tuy nhiên, chi tiết cá nóc phình lớn cơ thể lên như quả bóng cho thấy nó đang hoảng sợ, thay vì thích thú chơi đùa cùng nàng tiên cá. (Ảnh cắt từ clip).

Những phản ứng của khán giả và cư dân mạng cho thấy việc Disney thay đổi quá nhiều so với nguyên tác đã khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng, nhất là khi bộ phim hoạt hình "Nàng tiên cá" ra mắt vào năm 1989 đã rất thành công và gắn liền với tuổi thơ của không ít người. Nhiều người đã chỉ trích Disney đang phá hủy tuổi thơ của họ với bộ phim "Nàng tiên cá" phiên bản người đóng này.


Trailer phim nàng tiên cá.

Cập nhật: 24/08/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video