Theo thông tin ban đầu, quả cầu lạ rớt xuống các tỉnh miền núi phía bắc có thể là bình chứa oxy hoặc hydro của một thiết bị trên không trung, do trục trặc về kỹ thuật nên rơi xuống.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang cho biết sau khi đơn vị này làm việc với Quân khu 2, Công an tỉnh, xác định ban đầu quả cầu lạ không phải là bom, mìn, vật liệu nổ, thiên thạch, mà đây có thể là bình chứa oxy hoặc bình chứa hydro.
Thiết bị trên không trung
Trước đó, vào lúc 6h30 ngày 2/1, tại thửa ruộng trồng ngô của gia đình ông Quan Văn Học (ở thôn Nà Giàng, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa), người dân phát hiện một vật thể hình cầu bằng thép, có chu vi 2,05m, hai đầu bịt kín, có trọng lượng khoảng 45 - 50kg, trên bề mặt có một số dòng chữ nước ngoài.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan chức năng của Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã có mặt tại hiện trường để xác minh.
Tương tự ở Tuyên Quang, khoảng 6h ngày 2/1, sau tiếng nổ lớn có quả cầu lạ rơi xuống địa bàn thôn 1, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Vụ việc này đã làm người dân địa phương hoang mang.
Ông Trần Quang Thuận (53 tuổi, ở thôn 1), người đầu tiên phát hiện quả cầu lạ, cho biết: "Lúc đó tôi đang sang nhà con thì nghe mấy tiếng nổ lớn trên bầu trời, sau đó là một tiếng réo mạnh. Mới đầu nhiều người dân trong vùng hoang mang vì tưởng là bom.
Vài tiếng sau tôi cùng nhiều người trong thôn, cán bộ quân sự của xã đến khu vực vườn quế của gia đình anh Thành thấy một quả cầu bằng kim loại có bán kính khoảng 30cm".
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang phối hợp với lực lượng Quân khu 2 tiến hành làm rõ quả cầu lạ - (Ảnh: Trần Quang).
Ông Triệu Quốc Tuấn - huyện đội trưởng huyện Trấn Yên - cho biết sau khi trên địa bàn phát hiện có quả cầu lạ nặng khoảng 5,8kg và một mảnh vỡ nặng khoảng 0,2kg làm thủng mái nhà của một nhà dân ở thôn 5, xã Tân Đồng, đơn vị này đã bàn giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái.
Ngay sau đó quả cầu lạ cùng một mảnh vỡ đã được đại diện Bộ Quốc phòng tiếp nhận để xác minh vụ việc.
Sẽ có thông tin cụ thể
Trao đổi với PV, thượng tướng Võ Văn Tuấn - phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - thông tin hai "quả cầu lạ" ở Tuyên Quang, Yên Bái có ghi tiếng nước ngoài và vẫn chưa thể xác định được là vật dụng gì.
"Đây là thiết bị, vật dụng do con người làm. Cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục xác minh, sau đó sẽ có thông tin cụ thể" - thượng tướng Tuấn cho biết.
Ông Tuấn khẳng định những vật thể lạ này không do Việt Nam sản xuất, cũng không phải thuộc một bộ phận "vật thể bay" nào của Việt Nam đang hoạt động rơi xuống.
Trên thế giới từng xảy ra những vụ tương tự. Vào tháng 11/2011, quả cầu nặng 5,9kg bằng kim loại rơi xuống khu vực hẻo lánh ở miền bắc Namibia.
Vụ việc đã gây ra nhiều đồn đoán và quan ngại an ninh, chính quyền Namibia nhờ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) giúp điều tra. Về sau, thiết bị này được xác định là một bình chứa hydrazine từ một tên lửa không người lái, thường được dùng trong các lần phóng vệ tinh.
Khi quả cầu này rơi xuống Namibia, nó đã tạo ra một cái hố có đường kính gần 4m, sâu 30cm.
Các chuyên gia giải thích tiếng nổ lớn mà người dân địa phương nghe thấy là tiếng nổ siêu thanh khi quả cầu vượt qua tốc độ âm thanh lúc lao xuống Trái đất hoặc do va chạm khi rơi xuống mặt đất.
Gần đây, tháng 5/2014, người dân ở tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) đã trình báo chính quyền về việc ba vật thể không xác định rơi xuống khu vực này. Ba vật thể được nói là có hình cầu, bằng kim loại.
Quả cầu nặng hơn 40kg, có đường kính 76cm. Truyền thông Trung Quốc khi ấy tin rằng đây là những bộ phận của tên lửa Proton-M của Nga. Tên lửa này mang theo vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo và bị trục trặc vào thời điểm đó, bị cháy và rơi xuống Trái đất.
Theo Tân Hoa xã, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đến điều tra và sau đó kết luận đó là bộ phận của tên lửa.