Quá trình hình thành và tan biến của cơn bão bụi rộng 4.000km trên sao Hỏa

Tàu vũ trụ Hope của UAE quan sát quá trình hình thành và tan biến của cơn bão bụi khổng lồ ở bán cầu nam của hành tinh đỏ.

Tàu thăm dò Hope của UAE chụp những hình ảnh ấn tượng về một cơn bão bụi hình thành và tan biến trên sao Hỏa trong khoảng hai tuần, Mail hôm 14/3 đưa tin. Sao Hỏa có khí quyển mỏng hơn nhiều so với Trái đất nhưng vẫn đủ để tạo ra gió. Gió cuốn theo các hạt bụi tí hon, tạo nên những cơn bão bụi dữ dội có thể bao trùm một khu vực rộng lớn suốt nhiều tuần.


Bão bụi bắt đầu hình thành ở bán cầu nam sao Hỏa ngày 29/12/2021. (Ảnh: Cơ quan Vũ trụ UAE)

Hope cung cấp dữ liệu chưa từng có về cách bão bụi phát triển theo thời gian. Con tàu sử dụng camera và quang phổ kế hồng ngoại để nghiên cứu trạng thái nhiệt của bề mặt hành tinh đỏ và tầng khí quyển thấp. Hope cũng cung cấp cho các nhà khoa học UAE những chi tiết về sự phân bố địa lý của bụi, hơi nước, nước và các đám mây băng CO2.

Hope tiến vào quỹ đạo sao Hỏa từ tháng 2/2021. Cơ quan Vũ trụ UAE xác nhận nó bắt đầu theo dõi các cơn bão bụi trong khu vực vào tháng 12 năm ngoái thông qua hệ thống camera EXI và quang phổ kế EMIRS.

Những dấu hiệu đầu tiên về cơn bão mới được quan sát vào ngày 29/12. Khi đó, các nhà thiên văn nhận thấy hố trũng Hellas ở bán cầu nam sao Hỏa chứa đầy mây bụi dày, trong khi những đám mây xung quanh mỏng hơn. Ngày 5/1, họ quan sát được cơn bão bụi rộng 2.400km ở phía đông, che mờ Syrtis Major - một vùng tối trên sao Hỏa.

Các nhà khoa học cũng phát hiện những đám mây băng màu xám khác thường xung quanh Syrtis Major, trong khi hố trũng Hellas hoàn toàn bị che khuất dưới một lớp bụi. Vài ngày sau, những đám mây băng màu xám và mây bụi mở rộng về phía bắc Hellas với độ dày ngày càng tăng.

Lúc này, cơn bão đã vươn lên cao khỏi mặt đất và trải rộng khoảng 4.000 km từ Syrtis Major về phía đông, sau đó vươn xa hơn về phía tây vào ngày 9/1. Các chuyên gia thực hiện những quan sát cuối cùng về cơn bão hôm 14/1 và nhận thấy nó đã tan thành mây mù. Như vậy cơn bão khổng lồ đã hình thành, phát triển và biến mất trong khoảng hai tuần.

Hope là phương tiện quan trọng trên quỹ đạo giúp theo dõi vị trí và sự phát triển của các cơn bão bụi sao Hỏa, mang đến những quan sát và thông tin chi tiết chưa từng có về bản chất và đặc điểm của chúng. Trong tương lai, dữ liệu này có thể giúp con người sống trên hành tinh đỏ xác định xem liệu ngoài trời có đủ an toàn để bước ra hay không.

Cập nhật: 16/03/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video