Quầng sáng vàng rực bao phủ Trái đất tạo nên khoảnh khắc ấn tượng trong bức ảnh chụp ở độ cao 400 mét từ trạm ISS.
Hiện tượng quang học với ánh sáng vàng như mật khiến Trái đất trông như một viên kẹo khổng lồ, thôi thúc phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế lưu lại khoảnh khắc hôm 7/10, theo Live Science. Bức ảnh được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chia sẻ hôm qua.
Khoảnh khắc khí huy bao phủ Trái đất. (Ảnh: NASA).
Ánh sáng màu cam bao bọc Trái Đất là khí huy (airglow), sự phát quang do những phản ứng hóa học ở tầng cao của khí quyển Trái đất gây ra. Sự phát quang kỳ ảo này thường xảy ra khi bức xạ cực tím từ ánh sáng Mặt Trời kích thích các phân tử nitơ, oxy, natri và ozone trong khí quyển. Phân tử được hoạt hóa đâm vào nhau và đánh mất năng lượng trong quá trình va chạm, tạo nên vầng sáng mờ nhạt nhưng tuyệt đẹp.
Khí huy quan sát rõ nhất vào ban đêm bởi bởi quầng sáng mờ hơn một tỷ lần so với ánh sáng Mặt Trời, theo NASA. Bức ảnh đặc biệt này được chụp ở độ cao hơn 400km phía trên Australia. Độ sáng của khí huy có thể sánh ngang với những phản ứng hóa học phát sáng trên Trái Đất như gậy phát quang.
Không chỉ mang tới màn trình diễn ánh sáng đẹp mắt, khí huy còn giúp các nhà khoa học tìm hiểu về những hoạt động ở tầng thượng quyển. Ví dụ, hiện tượng có thể hé lộ cách các hạt gần bề mặt Trái Đất và không gian di chuyển và mối liên hệ giữa thời tiết vũ trụ và thời tiết trên Trái Đất.
Dù khí huy trong ảnh có màu vàng cam, hiện tượng này có thể gắn liền với nhiều màu sắc khác. Năm 2016, một nhiếp ảnh gia ở quần đảo Azores giữa Thái Bình Dương chụp ảnh khí huy màu cầu vồng, theo Space.com.