Xác của những người hiến tặng sẽ được bảo quản để dùng cho việc đào tạo bác sĩ hoặc nghiên cứu y học có giá trị.
Việc hiến xác cho khoa học đã xuất hiện từ cách đây khoảng 200 năm và thi thể người chết thường được dùng trong các nghiên cứu giải phẫu hoặc để đào tạo bác sĩ trong trường y, theo News.com.au.
Thi thể sau khi ướp xác có thể tồn tại khoảng 6 năm. (Ảnh: News.com.au).
"Khi người hiến tặng qua đời, cơ thể của họ sẽ được đánh giá có sử dụng được cho mục đích khoa học hay không. Thi thể của những người béo phì, suy dinh dưỡng, vàng da, mất trí nhớ, ung thư dạ dày, ung thư ruột và vừa trải qua hóa trị liệu thường không được sử dụng cho mục đích này", Riccardo Natoli, bác sĩ tại Trường Y khoa ANU, Australia, nói.
Một bàn tay người hiến xác được bảo quản trong hóa chất từ những năm 1980. (Ảnh:Vice).
Riccardo cho biết những người hiến tặng tiềm năng phải có cơ thể và trí não còn tốt. Họ ít nhất phải 18 tuổi. Thi thể được chuyển tới kỹ thuật viên nhà xác trong vòng 24-48 giờ sau khi chết. Đầu tiên, kỹ thuật viên lấy mẫu máu bằng kim lớn từ tâm thất trái để kiểm tra bệnh lý của người chết. Thi thể sau đó được tắm sạch sẽ, cạo sạch tóc và lông trước khi mang đi ướp xác.
"Các phản ứng hóa học của việc ướp xác thường mất khoảng 6-9 tháng để hoàn thành. Việc mổ xẻ thi thể mất khoảng 1-3 tháng. Thi thể sau khi ướp xác có thể tồn tại ít nhất 6 năm", Hannah Lewis, chuyên viên chăm sóc thi thể người chết tại Trường Y khoa ANU, cho biết.
Sau nghiên cứu, thi thể sẽ được mang đi hỏa táng để tránh chất dùng để ướp xác ngấm vào đất. (Ảnh: News.com.au).
Ngày nay, sinh viên y khoa có thể tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy mới bằng mô hình và mô phỏng 3D, nhưng giai đoạn tiếp cận giải phẫu trên xác người thật vẫn rất quan trọng, giúp họ phát triển sự khéo léo trong phẫu thuật.
"Khi các nghiên cứu của chúng tôi hoàn thành, thi thể được mang đi hỏa táng. Đây là một yêu cầu theo Đạo luật Cấy ghép và Giải phẫu của Australia năm 1978. Nếu thi thể bị chôn trong đất, chất dùng để ướp xác có thể thấm vào trong đất và gây ô nhiễm môi trường", Riccardo nói.
Những biến đổi của cơ thể người sau khi chết. (Video: Farnaz Khatibi Jafari).