Các nhà khoa học Trung Quốc phát hành một bản đồ 2D khổng lồ của vũ trụ, mở đường cho khảo sát quang phổ năng lượng tối thế hệ mới.
Hình ảnh cho thấy một phần phóng to của bản đồ vũ trụ 2D mới. Ảnh: DESI/Xinhua.
Bản đồ ra mắt hôm 14/1 được tạo nên bởi Nhóm Khảo sát Bầu trời Bắc Kinh-Arizona (BASS) của Đài quan sát Thiên văn Quốc gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (NAOC) dựa trên dữ liệu từ dự án Dụng cụ Quang phổ Năng lượng tối (DESI).
Gần 200 nhà nghiên cứu và cộng tác viên từ NAOC và DESI đã quan sát các thiên hà và phân tích dữ liệu trong sáu năm qua để lắp ghép các hình ảnh lại với nhau, cuối cùng tạo nên một bản đồ vũ trụ 2D khổng lồ trải rộng hơn 10 nghìn tỷ pixel về mặt kỹ thuật số. Theo Phó giáo sư Zou Hu từ NAOC, nó bao phủ một nửa bầu trời và chứa khoảng 2 tỷ đối tượng.
Các quan sát thiên văn hiện đại cho thấy vũ trụ đang giãn nở và dường như tiếp tục tăng tốc. Năng lượng thúc đẩy sự giãn nở này được gọi là năng lượng tối, dạng năng lượng chiếm phần lớn trong vũ trụ nhưng đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Phương pháp đo dịch chuyển đỏ quy mô lớn của các thiên hà có thể mô tả sự phân bố 3D của vật chất và tiết lộ ảnh hưởng của năng lượng tối đối với sự giãn nở của vũ trụ. Dự án DESI là một cuộc khảo sát dịch chuyển đỏ vũ trụ thế hệ mới.
"DESI sẽ thực hiện một sứ mệnh kéo dài 5 năm để thu được dịch chuyển đỏ của hàng triệu thiên hà và xây dựng vũ trụ 3D lớn nhất. Nó được kỳ vọng sẽ giúp giải đáp những bí ẩn về năng lượng tối", Zhao Gongbo, Phó tổng giám đốc NAOC và là thành viên của DESI, chia sẻ.
"Nhưng trước khi DESI bắt đầu, chúng ta cần một bản đồ 2D lớn hơn và sâu hơn của vũ trụ để đáp ứng yêu cầu nhắm mục tiêu của các quan sát quang phổ quy mô lớn như vậy", Zou cho biết thêm.
Nhà khoa học David Schlegel, một thành viên trong dự án DESI, nhấn mạnh đây là bản đồ 2D lớn nhất từng được phát hành của vũ trụ. Nó sẽ trở thành di sản cho cộng đồng thiên văn trên toàn thế giới và đóng vai trò quý giá đối với các ứng dụng khoa học.