NanoDragon - Vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam sẽ được phóng lên vũ trụ

NanoDragon, vệ tinh siêu nhỏ do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo, đã được Cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) lựa chọn là 1 trong 15 vệ tinh phóng lên vũ trụ năm 2021.

Vệ tinh siêu nhỏ, chỉ nặng 4kg

TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, NanoDragon được thiết kế, chế tạo hoàn toàn bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, được JAXA thông báo lựa chọn là 1 trong 15 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo vào năm 2021, theo chương trình chùm vệ tinh thử nghiệm công nghệ lần 2 của Nhật Bản. NanoDragon cũng đang trong khuôn khổ hợp tác với một công ty Nhật Bản để thử nghiệm máy tính điều khiển trung tâm trên quỹ đạo.

Vệ tinh này là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020.


Vệ tinh nhỏ có thể dùng để theo dõi sự biến động về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai.

Theo TS Lê Xuân Huy, đây là vệ tinh siêu nhỏ, chỉ nặng hơn 4kg, vệ tinh có 2 nhiệm vụ chính là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để phục vụ quá trình xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo và tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy dùng để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.

Hướng nghiên cứu của Việt Nam tới đây là phải tự phát triển vệ tinh nặng đến 180kg với việc làm chủ các khâu từ thiết kế, chế tạo, lắp ráp đến tích hợp và thử nghiệm.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang tập trung xây dựng cơ sở vật chất phục vụ lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh. Việc tiến tới từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh sẽ giúp Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, đảm bảo an toàn, bảo mật và tăng cường các dịch vụ và dữ liệu vệ tinh có khả năng tùy biến theo yêu cầu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như an ninh - quốc phòng.

Làm chủ công nghệ để ứng phó với thiên tai

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, ở nước ta, việc làm chủ công nghệ vệ tinh có ý nghĩa thực tiễn quan trọng bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, cần có thông tin từ ảnh vệ tinh.

Hàng năm, Việt Nam đối mặt với nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ước tính thiên tai có thể gây thiệt hại 1,5% GDP, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm. Làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài.

Vệ tinh nhỏ có các ứng dụng như vệ tinh lớn cùng loại. Vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất với độ phân giải trung bình (32 m), có thể dùng để theo dõi sự biến động về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai.

Vệ tinh nhỏ cũng có thể giải quyết nhu cầu viễn thông, truyền hình như vệ tinh lớn cho các nước có nhu cầu sử dụng vệ tinh chưa nhiều. Nếu Việt Nam chế tạo vệ tinh nhỏ giá chỉ khoảng 10 - 25 triệu USD, nhưng quan trọng nhất là chúng ta có thể nắm được công nghệ chế tạo vệ tinh.

Trước đó, ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã được phóng lên vũ trụ, tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian, đánh dấu việc Việt Nam có thể làm chủ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ 50 kg.

MicroDragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Vệ tinh này cũng sẽ phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của không khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển, thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất.

Theo báo cáo của NASA, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5 - 10% tổng thiệt hại do thiên tai gây ra (khoảng 0,05% GDP). Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến.

Cập nhật: 15/01/2021 Theo Đại Đoàn Kết
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video