Ngày 17-6, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐHQG TP.HCM công bố đã thiết kế và chế tạo thành công bộ vi xử lý (chip) 24-bit ứng dụng trong đo lường.
Việt Nam ra mắt Chip đo lường 24-bit
Chip 24-bit của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC)
Đây là sản phẩm thuộc đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thử nghiệm chip nén ảnh theo tiêu chuẩn JPEG2000 và chip ADC đa năng ứng dụng trong y tế” thuộc chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước.
Tiềm năng thương mại hóa
Chip ADC 24-bit có đặc tính kỹ thuật là vi mạch chuyển đổi tín hiệu analog sang tín hiệu số (Analog-to-Digital Converter) đạt độ chính xác cao. Loại chip này được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực đo lường như đo điện kế điện tử, địa chấn kế và đặc biệt trong lĩnh vực y tế như điện tâm đồ (ECG), xử lý tín hiệu y khoa...
So với chip 8-bit trước đây của chính ICDREC, chip ADC 24-bit có khả năng xử lý ở mức độ phức tạp hơn rất nhiều.
Nếu chip 8-bit có thể dùng cho các ứng dụng xử lý đơn giản như thiết bị y sinh, cảm biến, xử lý âm thanh, tiếng nói… thì ADC đáp ứng được các xử lý phức tạp hơn, chẳng hạn trong đo lường phức tạp, đòi hỏi khả năng phát hiện các thay đổi rất nhỏ với độ chính xác rất cao.
“Đây thật sự là một sản phẩm thành công của đội ngũ kỹ sư thiết kế vì quá trình thiết kế một con chip analog khó hơn rất nhiều so với chip digital (kỹ thuật số). Chip digital được sự hỗ trợ của rất nhiều công cụ, kiểu giống như lập trình, nhưng chip analog lại đòi hỏi người thiết kế phải giống như các nghệ nhân thủ công bằng tay. Với ADC 24-bit, tôi tự tin khẳng định đây là một con chip thuộc hàng top trên thị trường mà Việt Nam chúng ta đã làm ra được” - ông Ngô Đức Hoàng - giám đốc ICDREC - tự tin chia sẻ.
Về khả năng thương mại hóa, theo ThS Hồ Quang Tây (ICDREC), so sánh với chip cùng chức năng của Hãng Analog Device - công ty hàng đầu thế giới về thiết kế vi mạch, ADC của Việt Nam có nhiều ưu điểm cạnh tranh không thua kém về hiệu năng.
Trong đó, ADC hơn hẳn về khả năng tiết kiệm điện tiêu thụ cho chip nhờ sử dụng công nghệ khác. Đặc biệt, chip ADC có giá bán thương mại rẻ hơn rất nhiều so với chip của Analog Device.
TS Vũ Văn Khiêm, cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học - công nghệ, đánh giá đây là một điển hình về đề tài nghiên cứu khoa học thành công.
Theo ông Khiêm, “tính ưu việt của đề tài là đã tạo ra được sản phẩm cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tế”, qua đó cho thấy khả năng dần làm chủ công nghệ của kỹ sư vi mạch Việt Nam. Điều này “có ý nghĩa đặc biệt về an ninh quốc phòng” đối với các sản phẩm điện tử được sử dụng tại Việt Nam trong tương lai.
Cần những cánh tay doanh nghiệp đưa lên
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ADC 24-bit đã góp phần chứng tỏ năng lực thiết kế vi xử lý analog của các kỹ sư Việt Nam rất tốt. Chính điều này đã khiến nhiều công ty của Nhật Bản đến đặt hàng gia công phần cứng cho các sản phẩm của họ trong thời gian gần đây.
ADC 24-bit sẽ giúp nhiều công ty nước ngoài biết đến năng lực thiết kế của kỹ sư Việt Nam và từ đó đặt hàng gia công nhiều hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khâu ứng dụng chip vào sản phẩm đầu cuối cụ thể để thương mại hóa lại đang chứa đựng nhiều thách thức.
Chip ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đo lường như đo điện kế điện tử, địa chấn kế và đặc biệt trong lĩnh vực y tế như điện tâm đồ (ECG), xử lý tín hiệu y khoa...
“Trước mắt, chip ADC sẽ được chúng tôi ứng dụng trong sản phẩm điện kế điện tử của EVN thế hệ thứ hai. Ở thế hệ thứ nhất, điện kế điện tử có một chip của chúng ta và một chip của nước ngoài. Do đó, thế hệ thứ hai của điện kế điện tử sắp đến sẽ hoàn toàn là chip và vi mạch của Việt Nam. Còn về các ứng dụng trong sản phẩm đo lường như đo huyết áp, điện tâm đồ, địa chấn… hiện chúng tôi vẫn phải đi tìm nhà đầu tư để đưa chip vào ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa” - ông Hoàng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, ADC 24-bit đã cho thấy rõ tiềm năng ứng dụng, thương mại hóa chip Việt trên hàng loạt sản phẩm trong lĩnh vực y tế trong lương lai. Nhưng một trung tâm nghiên cứu khoa học như ICDREC chắc chắn không thể có được nguồn lực, vốn, khả năng kinh doanh để đầu tư sản xuất thiết bị hàng loạt và tìm đầu ra bán cho thị trường.
PGS.TS Nguyễn Anh Đức - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - đưa ra đề xuất: “Những sản phẩm của chúng ta nói cho cùng vẫn mới chỉ là R&D (nghiên cứu và phát triển - PV). Do đó nếu muốn thương mại hóa sản phẩm sẽ phải cần đến những cánh tay chung sức từ các doanh nghiệp đưa ra”.
Ông Lê Thái Hỷ - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - góp ý thêm: “Chúng ta đã có thử nghiệm ở máy đo huyết áp nhưng phải làm sao để nó được ứng dụng trong hàng loạt sản phẩm khác”.
Ông Hỷ cũng yêu cầu Hội Vi mạch TP.HCM phải tìm cách kết nối con chip - thành công của đề tài nghiên cứu khoa học - với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối để tạo đầu ra thương mại cho sản phẩm.