Tắc kè hoa không phải đối thủ cân sức trong cuộc vật lộn với rắn boomslang và buộc phải nộp mạng cho kẻ thù.
Rắn boomslang ngoạm chặt tắc kè hoa. (Ảnh: Josephine Williams).
Du khách Josephine Williams chứng kiến tắc kè hoa vật lộn để thoát khỏi rắn boomslang (Dispholidus typus) trong công viên quốc gia Kruger, Nam Phi, Earth Touch News hôm 3/4 đưa tin. Cuộc săn diễn ra ở phía bắc công viên, giữa khoảng rừng gần khu cắm trại Punda Maria.
Con rắn boomslang, một trong những loài rắn có nọc độc nguy hiểm nhất châu Phi, lao tới tấn công con tắc kè hoa Chamaeleo dilepis, cắn ngập răng nanh vào con mồi và bơm nọc độc haemotoxic. Tắc kè hoa là mục tiêu yêu thích của rắn boomslang, nhưng hành vi đi săn của loài rắn này hiếm khi được quan sát trong tự nhiên. Tương phản với lớp da màu xanh lá cây của con đực, rắn boomslang cái có màu xám xịt, nhưng cả hai giới tính đều dễ nhận biết dựa vào cặp mắt lớn. Chúng phân bố gần như khắp vùng hạ sa mạc Sahara của châu Phi và dành nhiều thời gian định vị trên ngọn cây.
Nọc độc của rắn boomslang có thể gây chết người. Là thành viên trong họ rắn nước, rắn boomslang sở hữu răng nanh ở sau hàm. Chúng có thể há miệng rộng gần 180° khi cắn. Sau khi ngấm vào cơ thể, độc tố bắt đầu phá hủy tế bào hồng cầu, làm gián đoạn quá trình đông máu, có thể dẫn đến chảy máu ngoài hoặc chảy máu trong, cuối cùng là suy tạng và tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.