Rắn độc số 1 thế giới và rắn Mulga đại chiến sống còn, kết cục bất ngờ!

Trong cuộc chiến giữa loài rắn độc có khả năng giết chết 100 người cùng lúc và rắn Mulga thì con nào sẽ giành chiến thắng?

Australia có lẽ là đất nước đứng đầu trong số các quốc gia độc đáo nhất thế giới. Australia cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật kỳ lạ, thậm chí có thể nói là "độc nhất vô nhị". Trong số đó phải kể đến loài rắn nội địa Taipan được mệnh danh là loài rắn độc nhất thế giới.


Rắn Taipan nội địa được mệnh danh là loài rắn trên cạn độc nhất thế giới. (Ảnh: ABC).

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, Taipan nội địa có nọc độc độc gấp 50 lần rắn hổ mang thường và 10 lần rắn chuông Mojave. Rắn Taipan được các nhà khoa học xác nhận là loài rắn sở hữu nọc độc độc nhất so với bất cứ loài rắn nào sống trên cạn. Thế nhưng, trong cuộc chiến sinh tử, rắn Taipan lại thua đau trước một loài rắn khác. Vì sao lại như vậy?

Rắn Taipan nội địa còn có tên gọi khác là rắn hung dữ và tên khoa học của nó là Oxyuranus microlepidotus. Loài rắn này được tìm thấy ở những khu vực nội địa của Australia như bang Queensland, Nam Úc, New South Wales và Bắc Territory.


Rắn Taipan có khả năng thay đổi màu sắc theo mùa. (Ảnh: ABC).

Chiều dài trung bình của rắn Taipan là từ 1,8 đến 2,5 m. Đặc biệt chúng có thể thay đổi màu sắc theo mùa. Cụ thể, vào mùa hè nó có màu xanh nhạt và mùa đông sẽ chuyển thành màu nâu sẫm. Việc thay đổi màu sắc này của rắn Taipan là để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt tại nơi mà nó sinh sống. Sở dĩ da của chúng có thể đổi màu là do rắn Taipan thay đổi mức độ hấp thụ ánh sáng Mặt trời.

Rắn Taipan thường ăn các loài động vật có vú nhỏ. Chuột là thức ăn ưa thích của chúng. Sự sinh sản của rắn Taipan bị phụ thuộc vào số lượng của quần thể chuột. Khi số lượng chuột nhiều thì rắn Taipan cũng sinh sản nhiều hơn. Mỗi lần sinh sản chúng thường đẻ từ 12 đến 20 quả trứng. Trứng sẽ nở sau 2 tháng.


Với lượng nọc độc 100 mg, rắn Taipan có thể giết chết 100 người trong 45 phút nếu không được can thiệp y tế kịp thời. (Ảnh: ABC).

Như đã nêu ở trên, rắn Taipan sở hữu loại nọc độc khủng khiếp nhất trên thế giới. Lượng nọc độc tối đa trong 1 lần cắn mà nó có thể phun ra là 100 mg. Với lượng nọc độc này, rắn Taipan có thể khiến 100 người chết sau 30 - 45 phút nếu không được can thiệp y tế kịp thời. Chỉ một lượng nọc độc cực nhỏ phun ra sau mỗi nhát cắn, rắn Taipan có thể khiến 250.000 con chuột chết ngay lập tức.

Sau nhát cắn chớp nhoáng của rắn Taipan, 60% tế bào cơ tim sẽ bị hủy diệt sau 10 phút đầu tiên. Sau khi nọc độc thâm nhập vào cơ thể, hệ thống dây thần kinh sẽ bị hủy hoại khiến cho nạn nhân bị đau đầu dữ dội và tê liệt toàn thân.


Tốc độ tấn công của rắn Taipan cực nhanh và rất khó phát hiện bằng mắt thường. (Ảnh: ABC).

Các nhà khoa học cũng cho biết thêm, rắn Taipan nội địa không chỉ có nọc độc mạnh mà tốc độ tấn công của chúng cực nhanh. Khi bị đe dọa, chúng sẽ lao về phía trước và cắn đối thủ trong tích tắc. Tốc độ của chúng nhanh tới nỗi khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Vì thế, rắn Taipan cũng là một trong những loài rắn độc có tốc độ nhanh nhất.

Cuộc chiến sống còn giữa 2 loài rắn độc

Mặc dù rắn Taipan còn được gọi là "rắn hung dữ" nhưng thực chất cái tên này được dùng để mô tả về nọc độc của loài này. Trên thực tế, rắn Taipan vô cùng nhút nhát. Chúng gần như luôn trốn chạy khi gặp nguy hiểm. Chỉ cần bạn không kích động nó thì rắn Taipan sẽ không chủ động cắn người.

Thế nhưng, dù rắn Taipan sở hữu nọc độc độc nhất trong các loại rắn trên cạn nhưng nó không phải là kẻ chiến thắng. Trong nhiều cuộc chiến, rắn Taipan đã bại trận trước đối thủ có nọc độc không mạnh bằng nó là loài rắn King Brown (rắn nâu vua) hay còn gọi là rắn Mulga.


Rắn nâu vua tuy không có nọc độc mạnh bằng rắn Taipan nhưng nó có thể dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chiến giữa 2 loài. (Ảnh: ABC).

Rắn nâu vua là một loài rắn trong họ Rắn hổ. Chúng là loài rắn lớn, có chiều dài từ 2,5 đến 3 m và nặng từ 3 đến 6 kg. Màu sắc của chúng là màu nâu nhạt đến nâu đen và đen. Chúng thường được tìm thấy ở Queensland, Nam Australia và New South Wales.

Tính khí của rắn nâu vua thay đổi theo khu vực sống của chúng. Rắn Mulga miền Nam thường nhút nhát và nằm yên một chỗ, trong khi Mulga miền Bắc rất dễ bị kích động khi bị làm phiền hoặc cảm thấy đe dọa. Khi đó, chúng sẽ tạo thành tiếng rít lớn, nâng thân người lên cao như rắn hổ mang, đầu chuyển động chuẩn bị sẵn tư thế tấn công kẻ thù.


Mỗi nhát cắn của rắn Mulga sẽ tiết ra khoảng 150mg nọc độc trong khi các loài rắn khác trung bình tiết từ 10 đến 40mg nọc độc. (Ảnh: ABC).

Nọc độc của rắn nâu vua có thể phá hủy các tế bào máu, gây ảnh hưởng đến cơ bắp và cũng gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh. Rắn nâu vua không có nọc độc mạnh như rắn Taipan nội địa nhưng lượng nọc độc của nó trong mỗi nhát cắn lại nhiều hơn bất cứ loài rắn nào trên thế giới. Trung bình, mỗi nhát cắn của rắn Mulga sẽ tiết ra khoảng 150mg nọc độc trong khi các loài rắn khác trung bình tiết từ 10 đến 40mg nọc độc. Nhưng đây không phải là lý do khiến rắn nâu vua giành chiến thắng trước đối thủ của mình là rắn Taipan.

Các nhà khoa học đã phân tích và tìm ra yếu tố quan trọng giúp cho rắn nâu vua chiến thắng được rắn Taipan. Đó chính là khả năng miễn nhiễm với nọc độc của các loài rắn độc khác.


Rắn nâu vua là loài rắn hiếm có kháng thể kháng nọc độc nên nó có thể dễ dàng chiến thắng rắn Taipan. (Ảnh: ABC).

Rắn nâu vua cũng là loài rắn hiếm có nhiều hơn 2 kháng thể kháng nọc độc. Chúng đều là những loại kháng thể có thể xác định được. Do đó, rắn nâu vua có thể dễ dàng giết chết rắn Taipan và biến nó trở thành bữa ăn của mình.

Cập nhật: 15/09/2022 Tổ Quốc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video