Một nghiên cứu mới nhất của nhóm nghiên cứu ở đại học Florida (Mỹ) do tiến sĩ Gregory dẫn đầu cho thấy loài khủng long ăn cỏ với hình dáng giống thằn lằn khổng lồ có hàm răng phức tạp như hàm răng của ngựa, sức nhai của chúng rất giống với động vật có vú.
Hình ảnh quét laser răng của khủng long ăn cỏ.
Tiến sĩ Gregory cho hay, sức nhai của loài khủng long ăn cỏ này thậm chí còn lớn hơn các động vật có vú như ngựa, voi, trâu. Phát hiện này góp phần chứng tỏ khủng long ăn cỏ là loài khủng long cuối cùng bị tuyệt chủng ở hai lục địa châu Á và Bắc Mỹ. Chúng sống vào giai đoạn cuối của kỷ Phấn trắng cách đây khoảng 65 triệu năm, có mỏ như mỏ vịt, chuyên ăn các loại hoa cỏ và cây lá kim, dương xỉ cổ đại, tùng bách.
Do thức ăn của chúng có lớp vỏ cứng bao bọc nên chúng phải nhai rất kỹ, dần dần răng của chúng tiến hóa gần giống với răng của ngựa, voi, trâu. “Tôi nghĩ giống khủng long này có thể ăn bất cứ thực vật nào”, tiến sĩ Gregory nói. Động vật có vú có thể nhai kỹ hơn nên hàm răng của chúng theo đó cũng có độ cứng không giống nhau, còn răng của loài bò sát tương đối đơn giản, chỉ có men răng và phần xương cứng. Tuy nhiên, sau khi quét laser bề mặt răng cho thấy răng của khủng long ăn cỏ phức tạp hơn nhiều so với loài bò sát thậm chí là động vật có vú.
Họ còn phát hiện thấy răng ở mỗi vị trí khác nhau có hình dáng và độ cứng cũng khác nhau, hiệu quả của việc nhai bằng răng sẽ khiến quần thể khủng long ăn cỏ càng lớn. Tiến sĩ và nhóm nghiên cứu của ông quyết định sử dụng phương pháp phân tích này để nghiên cứu các loài bò sát và động vật có vú khác đã tuyệt chủng mà bộ răng không được bảo toàn hoàn chỉnh, vì “đến ngay cả nguyên lý nhai của ngựa chúng tôi cũng vẫn chưa làm rõ được”, ông nói.