Rào cản kỹ thuật khiến NASA phải trì hoãn các sứ mệnh không gian

NASA sẽ đẩy lùi các mốc thời gian của sứ mệnh Mặt trăng trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật ngày càng gia tăng.

Theo Reuters, chương trình Artemis - sứ mệnh trị giá hàng tỷ USD của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) với đích đến là đưa con người quay lại Mặt trăng, nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn do hàng loạt những vấn đề khác nhau.


Các phi hành gia trong sứ mệnh Artemis 2 của NASA. Đây là sứ mệnh được chờ mong, với đích đến là việc đưa con người quay lại Mặt trăng. (Ảnh: NASA).

Chi tiết về nguyên nhân khiến sứ mệnh bị trì hoãn vẫn chưa được công bố. Nhưng các nguồn tin uy tín tiết lộ rằng, một trong các vấn đề chính là tàu vũ trụ Orion được sử dụng trong sứ mệnh dường như đã gặp phải vấn đề về pin khi thử nghiệm độ rung. Đây là các pin do hãng Lockheed Martin chế tạo.

Trước đó, NASA dự kiến sẽ triển khai sứ mệnh Artemis 2 vào tháng 11. Sứ mệnh bao gồm việc đưa phi hành đoàn 4 người tới Mặt trăng, rồi quay trở lại Trái đất sau 10 ngày. Đây từng được kỳ vọng là chuyến bay đầu tiên có phi hành đoàn với đích đến là Mặt trăng kể từ sau sứ mệnh Apollo lịch sử.

Tuy nhiên giờ đây, sứ mệnh được mong chờ nhất của NASA trong năm 2024 nhiều khả năng sẽ vượt quá mục tiêu dự kiến ban đầu, và bị lùi lại đến năm 2025.

Không chỉ vậy, cả Artemis 3 - sứ mệnh đưa con người đặt chân lên Mặt trăng vào cuối năm 2025 bằng hệ thống hạ cánh Starship từ nhà thầu SpaceX của NASA - cũng sẽ bị lùi lại.


Sứ mệnh cuối cùng có sự tham gia của phi hành đoàn tới Mặt trăng là Apollo 17, đã kết thúc từ năm 1972. (Ảnh: NASA).

Reuters cho biết, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk có vẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để đạt được những cột mốc phát triển nhất định, nhằm đảm bảo sự an toàn, cũng như tính khả thi cho sứ mệnh.

NASA dự kiến sẽ sớm công bố kế hoạch cụ thể sau nhiều tháng theo dõi tiến độ với các nhà thầu và xem xét những thay đổi đối với chương trình Artemis.

Khác với những lần triển khai độc lập trước đây, chương trình Artemis của NASA phụ thuộc rất nhiều vào các công ty tư nhân. Cụ thể, sứ mệnh sẽ sử dụng Hệ thống phóng không gian do Boeing và Northrop Grumman hợp tác sản xuất để đưa phi hành đoàn rời khỏi Trái đất.

Trong khi đó, viên nang Orion do Lockheed Martin chế tạo là nơi chứa phi hành đoàn, cũng như thực hiện mọi hoạt động điều khiển. Hệ thống phóng Starship của SpaceX đóng vai trò giúp tàu đáp xuống và rời khỏi bề mặt Mặt trăng.

Công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos cũng đang phát triển tàu đổ bộ phi hành gia cho các sứ mệnh sau này của Artemis.

Mặc dù sự hợp tác này giúp NASA đa dạng hóa công nghệ và cách tiếp cận cho các sứ mệnh không gian, nhưng nó cũng tạo ra rào cản khi một trong số những công đoạn gặp vấn đề. Khi đó, việc đồng bộ cho toàn bộ hệ thống để đảm bảo hoạt động trơn tru, liền mạch, sẽ là một thử thách không nhỏ.

Sự thừa nhận của NASA về những rủi ro tiềm ẩn và việc chấp nhận rằng một số sứ mệnh có thể không thành công nhấn mạnh sự phức tạp và không chắc chắn của việc khám phá không gian, như Chris Culbert, Giám đốc chương trình CLPS tại Trung tâm Vũ trụ Johnson, đã chỉ ra.

"Càng nhiều sứ mệnh được triển khai, bạn càng có nhiều cơ hội để thành công", Culbert cho biết. "Chúng tôi không chắc chắn rằng cuộc thử nghiệm ban đầu sẽ thành công. Nhưng tôi có thể khẳng định với bạn rằng, những công ty Mỹ này rất khắt khe về mặt kỹ thuật. Họ rất am hiểu kinh doanh. Họ tháo vát và có định hướng".

Cập nhật: 10/01/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video