Một loại robot mang tên RP - 7, trị giá 150.000 USD đang được một bác sĩ ở bang Maryland, Mỹ sử dụng để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Với robot này, bác sĩ và bệnh nhân có thể giao tiếp với nhau ở mọi nơi và bất kỳ lúc nào thông qua một màn hình giao tiếp.
Dùng robot để vừa theo dõi sức khỏe bệnh nhân, vừa tạo ra hiệu ứng tâm lý tích cực là phương pháp mà bác sĩ Alex Gandsas đang áp dụng tại một bệnh viện ở Hoa Kỳ.
Đến bệnh viện Sinai ở Baltimore, bang Maryland, người ta sẽ nhìn thấy robot RP-7 – loại robot dùng cho hội nghị truyền hình (video conferencing) – được sử dụng để tiếp xúc với những bệnh nhân do bác sĩ Gandsas điều trị. Phương pháp này nhằm giúp bệnh nhân có cảm giác là bác sĩ đang có mặt ngay tại phòng bệnh để chăm sóc họ.
Bác sĩ Alex Gandsas, một chuyên gia phẫu thuật giảm béo, phát biểu: “Robot này cho phép chúng ta “hiện diện” tại bệnh viện bất cứ lúc nào dù chúng ta đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới”.
Là sản phẩm của công ty InTouch Technologies, robot hoạt động theo thời gian thực này có tên đầy đủ là “RP-7 Remote Presence Robotic System” (Hệ thống robot hiện diện từ xa RP-7). Khi được bác sĩ Gandsas sử dụng trong phẫu thuật giảm béo, robot này được đặt biệt danh là Bari – phần đầu của từ tiếng Anh “bariatric” (giảm béo).
Bệnh nhân rất thích robot này, vì việc nhìn thấy bác sĩ đã giúp họ có
thêm niềm tin vào hiệu quả điều trị. (Ảnh: AP)
Ông Michael Chan, Phó Chủ tịch điều hành InTouch Technologies – có trụ sở ở Santa Barbara, California – cho biết sản phẩm của công ty ông giúp các bác sĩ có thể “xuất hiện” ở nhiều nơi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Ngoài thời gian điều trị và tiếp xúc với bệnh nhân trong giờ làm việc, bác sĩ Gandsas sử dụng robot trị giá 150.000 USD này để theo dõi diễn biến sức khỏe của bệnh nhân sau phẫu thuật để có thể có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Theo bác sĩ Gandsas, robot RP-7 sẽ đến từng giường bệnh và điều chỉnh hai camera của nó để giúp bệnh nhân nhìn thấy bác sĩ Gandsas và trò chuyện với ông. “Điều đó giúp tạo ra ở bệnh nhân một cảm giác là đang được trực tiếp thăm hỏi bởi bác sĩ điều trị”.
Bác sĩ Alex Gandsas đang đứng bên cạnh robot RP-7, phương tiện giúp ông theo dõi sức khỏe bệnh nhân hằng đêm. (Ảnh: Washington Post) |
Trình bày với ban lãnh đạo bệnh viện về ý tưởng sử dụng robot của mình, bác sĩ Gandsas nói rằng đây là phương pháp hỗ trợ để theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sau phẫu thuật trong khoảng thời gian mà bác sĩ không có mặt tại bệnh viện.
Trong nghiên cứu của mình, bác sĩ Gandsas đã thu thập các thông tin liên quan đến 376 bệnh nhân do ông điều trị. Trong số đó, 92 người được robot RP-7 chăm sóc đã xuất viện sớm hơn so với dự kiến ban đầu.
Theo ông Michael Chan, công ty ông đang triển khai các ứng dụng của robot RP-7 tại các vùng xa xôi, nơi thường không có đủ lực lượng y tế để chăm sóc bệnh nhân. Hiện nay, khoảng 120 robot thuộc loại này đang được sử dụng tại các bệnh viện trên khắp thế giới.
Ông David Williams, một bệnh nhân lớn tuổi được robot RP-7 chăm sóc, đã đánh giá cao phương pháp điều trị có sự hỗ trợ của robot của bác sĩ Gandsas. Ông nói: “Bạn chỉ việc nằm một chỗ nhưng vẫn nhìn thấy mặt bác sĩ, bạn có thể nói chuyện với ông ấy và trả lời các câu hỏi của ông ấy về tình hình sức khỏe của bạn”.
Y tá Florence Ford, người đã làm việc với robot này trong suốt 18 tháng qua, cho biết: "bệnh nhân rất thích robot này, vì “việc nhìn thấy bác sĩ đã giúp họ có thêm niềm tin vào hiệu quả điều trị”.
Nghiên cứu của bác sĩ Gandsas vừa được giới thiệu trên tạp chí American College of Surgeons (Hiệp hội Phẫu thuật gia Hoa Kỳ).
Quang Thịnh