Các chuyên gia Nhật đang phát triển một loại robot mới, giống ma với khả năng di chuyển tự động trên mọi địa hình, cả trên cạn, ở biển và trên không, ưu việt hơn so với các loại người máy khác.
“Ưu thế của loại robot này là nó có thể thích nghi với môi trường và di chuyển trên các dạng địa hình khác nhau trong thời hạn định trước”, Takeshi Kano, giáo sư trợ giảng tại Viện nghiên cứu Viễn thông điện tử thuộc Đại học Tohoku (Nhật) cho biết trên trang Live Science.
Ông Kano và các cộng sự mới đây đã cho đăng tải một bài viết về loại “robot ma” trên tạp chí Bioinspiration and Biomimetics.
Nhóm của ông Kano đã nghiên cứu về các loại robot vận hành trên nhiều loại địa hình hiện có và nhận ra một giới hạn cốt yếu: Các nhà thiết kế đã phải tạo ra những hệ thống kiểm soát riêng rẽ để giúp robot có thể đi trên cạn, bơi dưới nước và bay trên không. Những robot hiện có cũng không thể điều chỉnh để thích nghi với thời hạn định trước.
Hình mô phỏng “robot ma” với khả năng di
chuyển được trên mọi địa hình. (Ảnh: Live Science)
Ban đầu, để tìm ý tưởng về sự vận động của “robot ma”, ông Kano và các cộng sự đã nghiên cứu rắn do loài bò sát này trườn về phía trước bằng cách ép thân mình xuống mặt đất lấy đà giống như trong môn trượt băng.
Sau đó, một người bạn kể cho họ về các con sán, những sinh vật có cơ thể mỏng như tờ giấy, sống trong môi trường nước hoặc mặt đất ẩm ướt. Các sinh vật ký sinh như sán giây có thể gây ra đủ loại vấn đề sức khỏe đối với con người và những loài động vật khác. Tuy nhiên, ông Kano và các cộng sự thấy hứng thú hơn với sự chuyển động của sán. Để mô phỏng nó, họ đã sử dụng một cơ chế mà ông Kano miêu tả là các con rắn ảo bị trói với nhau, tạo thành một “mạng rắn” với 5 con nằm song song, liên kết với 5 con ở hướng khác.
Nhóm nghiên cứu cũng đi đến thống nhất về một nguyên tắc cơ bản, trong đó bất kỳ dạng vận động nào cũng được tiến hành bằng cách sử dụng phản lực từ môi trường. Nói một cách khác, robot được đặt ở chế độ tự quản hoàn toàn, cho phép nó có thể điều chỉnh để thích nghi với mọi bất thường xảy ra trên quãng đường di chuyển.
Cho tới hiện tại, các mô phỏng trên máy tính cho thấy, “robot” ma có thể di chuyển hiệu quả trên các địa hình lạ. Tuy nhiên, Cecilia Laschi, phó giáo sư chuyên ngành nghiên cứu robot sinh học tại Trường Scuola Superiore Sant’Anna (Pisa, Italia) và cũng là người dẫn đầu một dự án chế tạo robot bạch tuộc thân mềm phục vụ hoạt động tìm kiếm - cứu hộ, nhận định robot mỏng như tờ giấy vẫn đang trong giai đoạn thiết kế, “nhưng đã tạo nền tảng tính toán quan trọng để rốt cuộc chế tạo và trên hết điều khiển được loại robot như thế”.
Rolf Pfeifer, một chuyên gia về người máy thuộc Đại học Zurich (Thụy Sỹ) cũng đánh giá cao triển vọng của “robot ma” trong việc ứng dụng phục vụ hoạt động khám phá cũng như kiểm tra những địa hình mới lạ và nguy hiểm.