NASA hôm 12/7 chia sẻ hình ảnh cận cảnh về mẫu đá mới được thu thập trên sao Hỏa bởi robot thăm dò Perseverance.
Gần một năm rưỡi sau khi đáp xuống miệng hố Jezero vào tháng 2/2021, thiết bị tự hành Perseverance của NASA không ngừng khám phá hành tinh đỏ để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại. Gần đây, nó tiếp tục khoan và lấy thành công một mẫu đá mới.
Robot Perseverance khoan mẫu đá thứ 10 trên sao Hỏa. (Ảnh: NASA)
Trong một tuyên bố vào hôm 12/7, NASA cho biết đây là mẫu đất đá thứ 10 được thu thập bởi Perseverance. Nó có kích thước chỉ bằng ngón tay út và sẽ được cất giữ bên trong một ống nghiệm đặt ở phần bụng của robot.
Perseverance mang theo 43 ống nghiệm và 38 trong số đó được thiết kế để chứa mẫu. Thiết bị thám hiểm sẽ sử dụng một mũi khoan nhỏ trên cánh tay robot của nó để khai thác những lõi đá hứa hẹn chứa đầy thông tin về sao Hỏa. Vì chỉ có một số lượng ống giới hạn, NASA sẽ đánh giá cẩn thận mọi vị trí trước khi khoan.
Gần đây, Perseverance đã mở rộng phạm vi nhiệm vụ của nó và bắt đầu tìm kiếm một vị trí thuận lợi cho sứ mệnh trả mẫu trong tương lai. Vị trí đó không chỉ là một nơi an toàn để hạ cánh mà còn phải cung cấp một môi trường thích hợp để thiết lập bệ phóng đầu tiên trên một hành tinh không phải Trái Đất.
Mô phỏng sứ mệnh trả mẫu trên sao Hỏa. (Ảnh: NASA)
Sứ mệnh trả mẫu trên sao Hỏa (MSR) do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thực hiện có thể sẽ diễn ra vào năm 2028. Theo kế hoạch, sẽ có ba phương tiện khác nhau được gửi xuống bề mặt hành tinh đỏ, bao gồm một robot lấy mẫu, một tàu đổ bộ nhận mẫu (SRL) và một tên lửa cất cánh từ sao Hỏa (MAV).
Đầu tiên, robot sẽ thu thập các mẫu đá từ Perseverance và chuyển chúng đến SRL. Sau đó, SRL sử dụng cánh tay robot của nó để đặt mẫu vào bên trong MAV. Phương tiện phóng cao 10 m này cuối cùng sẽ bay lên quỹ đạo sao Hỏa, nơi nó được một tàu vũ trụ của ESA bắt lấy và đưa trở về Trái Đất.