Rùa tai đỏ xâm nhập hồ Gươm ngày càng nhiều

Dù thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu thu gom, tiêu hủy rùa tai đỏ, loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, nhưng tại hồ Gươm và giếng Thiên Quang trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, loài vật này vẫn nhan nhản.

>>> Rùa tai đỏ: 'Giết mổ, cấp đông' thay 'tiêu hủy'

Theo quan sát VnExpress, cứ khoảng 9h sáng, khi trời hửng nắng cũng là lúc đã kiếm ăn no, rùa tai đỏ bắt đầu nổi lên mặt hồ Gươm, bám vào cành cây phơi nắng. Có những cành cây rủ xuống hồ chi chít rùa tai đỏ, con to chừng một kg, con nhỏ nhất bằng ngón chân cái.

Một số người bán hàng ở khu vực này cho biết, vào ngày rằm hay mùng một, người dân mua rùa tai đỏ về cúng, sau đó phóng sinh xuống hồ. Một số khác lại đứng trên lối đi vào đền Ngọc Sơn, thả câu chùm xuống và câu được rất nhiều rùa tai đỏ đem bán.


Rùa tai đỏ tại hồ Gươm. (Ảnh: Thế Hiếu).

Gắn bó với rùa hồ Gươm mấy chục năm nay, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết đã chụp được ảnh rùa tai đỏ ở hồ Gươm từ năm 2004, còn trước đó có người chụp được vào năm 1997. "Không thể biết trong hồ có bao nhiêu rùa tai đỏ, nhưng so với trước có thể thấy chúng tăng đột biến. Loài vật này sinh sôi rất nhanh, chẳng khác gì con ốc bươu vàng phá hoại lúa", ông Đức cho biết.

PGS Đức cho rằng rùa tai đỏ không xâm hại cụ rùa hồ Gươm, nhưng sẽ tranh nguồn thức ăn và rất dễ xâm hại những loài nhỏ hơn sống trong hồ. "Khi biết tác hại của rùa tai đỏ, tôi đã nhiều lần đề cập, nhưng vẫn chưa cơ quan chức năng nào có biện pháp ngăn chặn", ông Đức nói.

Không chỉ hồ Gươm, giếng Thiên Quang trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng có rất nhiều rùa tai đỏ. Một số du khách còn thích thú đứng xem chúng nổi lập lờ trên mặt nước, leo lên những bậc lên xuống của giếng.

Theo ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rùa tai đỏ xuất hiện ở giếng theo 2 nguồn. Trong những trận mưa to ở Hà Nội, Văn Miếu là nơi bị ngập nặng nhất nên rùa tai đỏ dễ dàng theo hệ thống đường ống ngầm len lỏi vào. Ngoài ra thỉnh thoảng có khách du lịch mua rùa về cúng rồi thả.


Rùa tai đỏ ở giếng Thiên Quang trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: Thế Hiếu).

Mặc dù đã có chỉ đạo của thành phố về việc thu gom, tiêu hủy rùa tai đỏ, nhưng hiện tại công tác này vẫn chưa được thực hiện tại hồ Gươm cũng như giếng Thiên Quang. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban quản lý khu vực bờ hồ Gươm cho biết, lực lượng chức năng thường xuyên có mặt để ngăn chặn không cho phép ai được thả rùa tai đỏ, cũng như không được câu bất cứ loài vật nào trong hồ.

"Muốn tiêu diệt triệt để rùa tai đỏ độc hại cần phải tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nghiêm cấm việc đánh bắt, mua, nuôi trồng. Khi rùa tai đỏ xuất hiện ở hồ, chúng tôi cũng không biết nên tồn tại hay không. Nếu không cho tồn tại, nhà nước nên có một chính sách khai thác rùa này nhằm chế biến thực phẩm", ông Tuấn nói.

Còn PGS Hà Đình Đức thì cho rằng hiện chưa có biện pháp ngăn chặn loài rùa tai đỏ, nhưng nếu nhà nước quyết tâm đồng loạt ra quân, cấm nhập khẩu, cấm buôn bán, tuyên truyền trong nhân dân tác hại của chúng để họ không thả xuống các thủy vực thì sẽ hạn chế tốt hơn vấn đề này.

Theo Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video