Rượu hủy hoại tất cả các phủ tạng

Thận, gan, tim, phổi, não, ruột, ổ bụng..., không cơ quan nào tránh được sức tàn phá của rượu nếu bạn dùng thứ đồ uống này quá nhiều. Nếu bạn đang lên kế hoạch tổ chức những bữa nhậu "hoành tráng" trong dịp Tết thì hãy nghĩ lại.

Đàn ông có thói quen lâu lâu gặp nhau hoặc mỗi dịp Tết nhất, hội hè lại nhậu một bữa tới bến, đến khi nào xỉn quắc cần câu mới chịu đường ai nấy... bò. Đó là một thói quen nguy hiểm bởi lượng cồn lớn vào trong cơ thể sẽ gây ra những tác hại khôn lường.

Thận

Quả thận (Ảnh: ykhoa)

Chỉ có 5% lượng cồn trong máu được thận lọc và thải ra ngoài qua nước tiểu. Bạn đừng nghĩ rằng uống vào bao nhiêu sẽ ra bấy nhiêu, thực tế chất lỏng thải ra lớn hơn lượng được đưa vào.

Chất cồn phá hủy quá trình sản xuất và thải ra Vasopressin - hoóc môn có tác dụng kích thích thận giữ lại các chất lỏng và cô đặc nước tiểu. Nếu không có nó, nước tiểu sẽ bị loãng vì quá nhiều nước.

Nếu bạn uống nhiều rượu, sự cân bằng chất lỏng bị phá vỡ, quy trình đào thoát chất thải sẽ chậm đi. Kết quả là các tế bào khỏe mạnh yếu đi, cơ thể sẽ phải cần đến sự trợ giúp của các loại thuốc và chất dinh dưỡng để phục hồi lại chúng. Sau đó là nguy cơ mắc các bệnh huyết áp cao, viêm gan, xơ gan và suy thận.

Lượng cồn nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh gút. Ban đầu, các chất cồn dư thừa, tích tụ lại sau nhiều lần quá chén sẽ gây ra những trục trặc cho quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng. Mỗi lần uống liên tục nửa lít rượu mạnh sẽ làm gia tăng lượng axít uric trong máu. Hoạt động của thận sẽ bị ảnh hưởng, lượng axít uric dư thừa tích tụ dần tạo thành các tinh thể cực nhỏ, sắc cạnh giống như những mảnh vỡ thủy tinh, gây tổn thương cho thận.

Não

Ai cũng biết khi quá chén sẽ xỉn, mà khi đã xỉn thì không còn kiểm soát được não bộ, không nói năng linh tinh thì cũng có một có một vài hành động ngớ ngẩn. Sau một giấc ngủ là có vẻ mọi việc lại đâu vào đấy, đầu óc lại thông thái như... chưa hề uống rượu (đấy là khi bạn uống rượu xịn hoặc chí ít cũng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng).

Nhưng mọi việc không đơn giản như bạn tưởng. Bạn sẽ nghĩ gì khi biết rằng mỗi 50 ml rượu lấy đi của bạn 10.000 tế bào não (mà tế bào não không thể tái sinh).

Tim

Tim cũng có cấu tạo là một loại cơ, mà các loại đồ uống có nồng độ cồn cao làm suy yếu các cơ nên đương nhiên sẽ làm suy yếu tim mạch. Tim sẽ không thể bơm máu đi một cách hiệu quả như bình thường, khi đó sẽ xảy ra hiện tượng dồn chất lỏng lên phổi.

Nồng độ cồn càng cao, tác động lên tim càng lớn, chúng làm hẹp các mạch máu và tăng áp lực trong máu, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra, chúng còn làm gián đoạn các tín hiệu điện giải, gây ra chứng rối loạn nhịp tim.

Đọc đến đây, nhiều người sẽ bảo rằng khoa học đã chứng minh rượu có tác dụng tốt cho tim mạch, mỗi ngày uống từ 1 đến 2 ly rượu, nhất là rượu vang đỏ có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và suy tim. Thực tế trong một số trường hợp, lượng cồn vừa phải sẽ giúp các động mạch và tim “sạch sẽ”, 1-2 ly vang đỏ giúp dọn sạch các cholesterol HDL dư thừa, làm mềm thành động mạch, giảm nguy cơ tắc nghẽn cho các tế bào máu. Ở đây, rượu, các chất có cồn là một chất độc hại nhưng nó không độc bằng các mảng chất béo bám trên các động mạch. Tuy nhiên điểm mấu chốt mà nhiều người bỏ qua là rượu chỉ có khả năng làm giảm nguy cơ bị suy tim hay đột quỵ với những người đang bị bệnh tim mà thôi. Hiểu một cách khác, đây chỉ là một hình thức lấy độc trị độc mà thôi!

Gan
 
Chỉ 10 phút sau khi rượu được đưa vào cơ thể, 90% lượng cồn sẽ bị máu hấp thụ vì thời gian máu hấp thụ cồn luôn ít hơn nhiều so với thời gian gan loại bỏ chúng (thường là 1 tiếng).

Nồng độ cồn cao tạo ra nhiều gốc tự do, đó là các phân tử thường phá hủy các tế bào khỏe mạnh, tạo ra sẹo ở các mô và tế bào, đẩy nhanh quá trình lão hóa và tăng tính nhạy cảm của cơ thể trước các loại bệnh.

Khi bạn uống rượu quá nhiều, lượng cồn trong cơ thể gây áp lực lên gan, khiến gan trở nên xơ cứng. Lúc đó, đường kính các mạch máu trong gan bị thu hẹp, gây khó khăn cho quá trình lưu thông máu. Hãy thử hình dung khi ta bơm nước từ 1 ống đường kính 5 cm vào một ống khác đường kính có 2 cm thì chuyện gì sẽ xảy ra. Chắc chắn áp lực sẽ đẩy nước trở lại. Ở đây cũng vậy, áp lực đè lên gan sẽ khiến cho các tĩnh mạch khác phồng lên để giảm bớt áp lực cho gan, khi các tĩnh mạch phồng lên đã gây ra bệnh trĩ. Hậu quả không dừng lại ở đó, phồng tĩnh mạch còn kéo theo cả chứng giãn tĩnh mạch thực quản.

Phổi

Khoảng 5% lượng cồn trong máu sẽ nhanh chóng khuếch tán vào các túi nằm trong phổi. Các túi phổi sẽ làm ấm dung dịch cồn, chuyển chúng thành dạng hơi mà khi chúng ta thở ra, các phân tử hơi này sẽ là tiêu chí để đo lượng cồn trong hơi thở.

Nếu uống rượu trong một thời gian dài, cồn sẽ làm mất đi một chất chống ôxy hóa quan trọng trong phổi, làm phổi bị tổn thương vĩnh viễn. Nó làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi cũng như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Ruột non

Sau 20 phút, 80% lượng cồn được đưa vào cơ thể sẽ được chuyển tới ruột non và đa phần sẽ được khuếch tán vào máu. Trong ruột non, cồn phá hủy quá trình hấp thụ nước và natri, gây ra hiện tượng khử nước trong cơ thể, phá hủy các protein, cacbon hydrat và chất béo, giảm khả năng hấp thụ vitamin, chất khoáng và các amino axit đặc biệt.

Ổ bụng

Sau khi được đưa vào cơ thể, ổ bụng là trạm dừng chân đầu tiên của cồn. Chỉ trong vòng 5 phút, 20% quân số sẽ lập tức xâm nhập vào máu bằng cách trượt đi giữa các tế bào biểu mô sản xuất chất nhầy. Tại đây, cồn sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ của cơ bụng, do đó tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, ợ nóng, viêm loét và chảy máu.

Theo Đẹp
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video