Với số lượng khoảng 400 loài san hô khác nhau thuộc 80 giống loài, 17 họ khác nhau, khu hệ san hô biển Việt Nam có thể so sánh với những vùng san hô đa dạng nhất trên thế giới.
Những thông tin tóm tắt về san hô:
- San hô hết sức mỏng manh nhưng chúng cũng rất sắc
- San hô được coi là một thức ăn ngon cho cá voi và nhiều loài động vật biển khác
- San hô thuộc cùng họ với sứa
- Hầu hết san hô đều được tìm thấy trong vùng nước ấm nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhưng cũng có nhiều san hô mềm sống ở những vùng lạnh hơn trên thế giới, thậm chí ở cả vùng Nam cực
- Trong những thập kỷ gần đây, hơn 35 triệu hecta rạn san hô đã bị huỷ hoại.
- Các rạn san hô hiện là một trong những hệ sinh thái bị đe doạ nhất trên hành tinh của chúng ta. Nếu với mức độ phá huỷ tiếp tục như hiện nay, 70% các rạn san hô trên thế giới sẽ bị huỷ diệt trong thời đại của chúng ta.
San hô có hình dáng ra sao?
San hô trông giống như thực vật, và trước đây các nhà tự nhiên học đã mô tả các rạn san hô như những khu vườn. Ở một số nơi thuộc Việt Nam, người ta gọi san hô là hoa đá. Nhưng nếu bạn nhìn gần, bạn sẽ thấy san hô được tạo thành bởi những sinh vật rất nhỏ gọi là các polyp san hô.
Mỗi polyp san hô giống như một cây tảo biển với thân dạng túi và chỉ có một miệng mở để lấy thức ăn và loại chất thải. Xung quanh miệng này là các xúc tu với các tế bào gây ngứa.
Một tập đoàn san hô không phải là một nhóm các polyp đơn lẻ cùng sống vì lợi ích chung, mà là kết quả của sự trưởng thành và đâm chồi của một polyp cơ sở.
Các polyp trong một cụm san hô có chung một hệ chất lỏng và thần kinh. Tất cả đều giống nhau về gen và các polyp liên kết với nhau bởi một lớp mô mỏng.
San hô sống ở đâu?
Các rạn san hô hình thành trên các bề mặc vững chắc ở những vùng biển ấm, nông, và nước trong.
Nước biển nơi đó phải:
- nhiệt độ 22–29o (nhiệt độ trung bình hàng năm)
- nước trong, độ đục thấp
- ít chất dinh dưỡng
- độ mặn ổn định
- Các rạn san hô sinh trưởng xung quanh các sườn dốc của lục địa hoặc các bờ lục địa. Chúng được biết đến như các rạn riềm.
- Các đảo san hô vòng hình thành từ các rạn san hô riềm xung quanh các đảo núi lửa nay đã tắt.
- Các rạn san hô dạng nền thường được tìm thấy trên thềm lục địa.
- Các rạn san hô dạng ruy băng (còn gọi là các rạn chắn) là những vỉa có hình thon dài sinh trưởng dọc theo mép thềm lục địa.
San hô ăn gì?
Các polyp san hô thu giữ thức ăn. Mỗi polyp có một miệng bao quanh bởi các xúc tu với những thích ti bào giống như những cái móc làm tê liệt các sinh vật nhỏ xíu bơi trong nước.
Các xúc tu đẩy thức ăn của polyp qua miệng và cũng chích cả những động vật ăn thịt nữa!
Miệng nối với khoang ruột hình trụ chứa các mô tiêu hoá.
Vào một số tháng trong năm, các mô tiêu hoá còn chứa cơ quan sinh dục đang phát triển. Một số polyp có cả bộ phận sinh dục đực (những túi tinh trùng) và cái (những vòi dẫn trứng).
San hô sinh sản như thế nào?
San hô sinh sản hữu tính hoặc bằng nhiều cách khác, ví dụ như tự chia đôi thành hai sinh vật hoặc thả polyp phát triển ở nơi khác. San hô có những lối sinh sản rất thú vị và nhiều loài sử dụng không chỉ một phương pháp.
Tách nhánh: các mảnh của san hô dạng nhánh hoặc đĩa có thể tách ra và tự gắn vào bề mặt của rạn san hô nơi chúng tiếp tục sinh trưởng. San hô tách nhánh ở những vùng biển động hoặc nơi có nhiều sinh vật đến đó kiếm ăn hoặc chà qua chúng.
Sinh sản phân đôi hoặc ‘đâm chồi’: các nấm san hô có thể tự phân thành hai hoặc nhiều sinh vật.
Sự thoát ly của polyp: khi những bướu san hô sù sì bị căng cứng, nó có thể thả các polyp ra để chúng sống ở những nơi khác.
Các bóng polyp: ban ngày san hô thả những mô nhỏ dạng bóng xuống bề mặt của rạn san hô để chúng sinh trưởng gần bố mẹ và tạo thành những cụm san hô mới.
Sinh sản vô tính: một số san hô dạng hoa và các san hô bướu sù sì có những cá thể còn rất non sinh trưởng trên mô của chúng. Chúng được sản sinh ra chỉ từ một trứng chứ không phải từ một sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng. Khi được thả ra, các polyp nhỏ định cư lại và sinh trưởng gần mẹ.
Sinh sản hữu tính: có hai loại sinh sản hữu tính:
- Sinh sản ra các ấu trùng bên trong polyp: cách sinh sản này giống như sinh sản vô tính, ngoại trừ việc các polyp nhỏ được sinh ra từ sự kết hợp của tinh trùng và trứng.
- Sinh sản hàng loạt: ít nhất có khoảng 100 loại san hô tạo rạn ở Great Barrier Reef phóng các bọc trứng và bọc tinh trùng vào nước trong thời gian vài đêm đầu mùa hè. Trứng và ấu trùng đang phát triển bơi theo dòng chảy vài ngày sau đó. Sự sinh sản hàng loạt xảy ra trong khoảng 3 đến 6 đêm sau khi trăng tròn và khi nước biển ấm lên sau mùa đông. Sau khi nổi lên trên mặt biển, các bọc trứng và tinh trùng vỡ ra để các tế bào trứng và tế bào tinh trùng gặp nhau và chúng có thể thụ tinh. Trong số hàng triệu trứng và tinh trùng được sản sinh ra, chỉ một số ít trứng có thể thụ tinh, định cư và sống sót cho đến khi trưởng thành. Số còn lại là thức ăn tuyệt diệu cho các loài cá!
San hô, với màu sắc của cầu vồng và hình thù kích cỡ rất đa dạng, là một phần độc đáo và thiết yếu đối với sự sống của biển Việt Nam.
Các rạn san hô là một trong những hệ sinh thái lâu đời nhất, đa dạng nhất về mặt sinh học, và phong phú về các loài trên trái đất. Chúng còn hỗ trợ mối quan hệ cộng sinh (cùng có lợi) giữa các sinh vật trong thế giới tự nhiên. Mặc dù chỉ do những sinh vật rất nhỏ tạo thành, san hô tạo nên những ran tuyệt đẹp dọc theo bờ biển Việt Nam và là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển đa dạng.
Mỗi sinh vật san hô là một phần của hệ sinh thái rạn này và cũng là một phần trong quá trình dần hình thành nên một rạn mới. Có một số san hô phát triển rất chậm, dưới 1cm mỗi năm, trong khi đó một số khác thì phát triển rất nhanh, mỗi năm tới 15cm. Tuy vậy, kích cỡ của rạn san hô không nói lên tính bền vững của nó.
San hô rất nhạy cảm với sự xáo trộn, và sự tổn thương do sự bất cẩn của con người có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả rạn san hô nói chung. Tình trạng của một rạn san hô có liên quan rất chặt chẽ với các hệ sinh thái rừng ngập mặn và cỏ biển ở xung quanh. Rừng ngập mặn và cỏ biển lọc chất dinh dưỡng từ các nguồn trên đất liền và là chiếc nôi che chở và nuôi dưỡng của nhiều sinh vật cư trú ở rạn san hô.
San hô hiện nay đang bị đe dọa, san hô bị tổn thương tại 93 quốc gia và san hô có thể biến mất trong 20 năm tới. Mối đe doạ đối với các rặng san hô không còn là vấn đề của mỗi nước mà là mối lo ngại toàn thế giới. Với khoảng 20% các rặng san hô trên Trái đất bị huỷ hoại không thể phục hồi được, 24% đang bị đe doạ và 26% đối mặt với những mối đe doạ dài hạn, cộng đồng quốc tế phải làm nhiều hơn để bảo vệ chúng. Nếu chúng ta để cho các rặng san hô chết đi cùng với sự gia tăng của mực nước biển, hàng nghìn đảo trên thế giới sẽ biến mất, kéo theo chúng là các cộng đồng, các nền văn hoá.
Các rạn san hô được tìm thấy tại hơn 100 quốc gia và bao phủ chừng 285.400km2 trên toàn thế giới. Chúng là hệ sinh thái đa dạng nhất của đại dương, với đối thủ duy nhất chỉ có thể là rừng mua nhiệt đới trên cạn. 25% tổng số các loài động vật biển, gồm hàng nghìn loài cá tuyệt vời, động vật thân mềm, nhím biển, v.v... đang sống trong đó. Do hoạt động đánh bắt cá quá mức, lượng cá tại các dải đá ngầm san hô đã bị giảm mạnh ở một số khu vực trên thế giới. Điều này đã làm cho hệ sinh thái san hô mất cân bằng, tạo điều kiện cho các sinh vật khác như tảo biển phát triển. Kết quả là tảo biển, đã từng được cá kiểm soát, trở nên lấn át trên các dải đá ngầm tại nhiều khu vực. Ngoài ra, nhiều ngư dân sử dụng lưới rà sục sạo san hô và hải miên ở đáy biển để tìm kiếm những loài cá có giá trị kinh tế cao.
Khi dân số loài người tăng và các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển theo, lượng nước thải đổ ra biển cũng tăng lên. Nước thải có thể mang theo lượng lớn trầm tích từ các khu vực đất đai bị phát quang, chất dinh dưỡng từ các khu vực nông nghiệp, chất ô nhiễm như các sản phẩm xăng dầu và thuốc trừ sâu. Tất cả những chất thải này làm tăng độ đục của nước biển, giảm lượng ánh sáng tới được chỗ san hô, do đó gây ra nạn tẩy trắng san hô.
San hô cũng là vật trang trí được con người ưa thích. Thường khi đi nghỉ tại các vùng biển nhiệt đới có những rạn san hô đẹp, một số người muốn mua một số đồ lưu niệm bằng san hô mang về nhà. Để thoả mãn nhu cầu của du khách, dân địa phương đã khai thác san hô với quy mô thương mại và chọn san hô sao cho có thể kiếm được nhiều tiền nhất. Tình hình này cũng diễn ra ở Việt Nam.
Các vụ tràn dầu, rò rỉ dầu vào nước biển, mỏ neo của tàu thuyền cũng như việc các con tàu đi biển cỡ lớn bị mắc cạn cũng tàn phá một phần lớn các dải đá ngầm san hô. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng sơn được phủ lên đáy nhiều con tàu cũng đóng góp vào quá trình hình thành độc tố thiếc Tributyl, cùng các hoá chất khác có hại cho san hô. khảo sát cho thấy, ô nhiễm, đánh bắt cá quá mức, nhiệt độ gia tăng, các dự án phát triển ven biển và bệnh tật là những mối đe doạ lớn đối với rạn san hô
Khoảng 70% các rạn san hô trên thế giới đang bị tàn phá hoặc lâm nguy do hoạt động của con người. Tuy vậy, một số rạn lại đang thể hiện khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trước tình trạng ấm hoá toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới nên hành động nhiều hơn nữa để giảm ô nhiễm, hạn chế đánh bắt cá và cắt giảm lượng khí thải nhà kính (chẳng hạn như CO2) để bảo vệ san hô. Để cứu các rạn san hô, Chính phủ các nước cần nhanh chóng giảm lượng khí CO2. Nhiệt độ trên trái đất đã tăng 0,6oC kể từ cuối những năm 1800 tới nay.
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2003 tới nay, ngư dân ở các vùng biển vẫn tự do khai thác san hô đen, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển. Từ cuối năm 2003 tới nay, mỗi tháng thương nhân Trung Quốc đã tới những khu vực trên mua hàng trăm tấn san hô đen để làm nguyên liệu chế tác đồ mỹ nghệ. Giá thu mua trung bình từ 150.000-200.000 đồng/kg, trong khi mức giá này lên tới 2 triệu đồng/kg khi đưa về Trung Quốc.
Ứng dụng của san hô trong chữa bệnh về xương:
- Trong các ca bị múc bỏ mắt: Từ năm 1998, sản phẩm bắt đầu được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. Tính đến nay bi san hô đã được sử dụng nhiều nhất với trên 100 ca. Với những Bệnh nhân không may bị tai nạn giao thông, đả thương hoặc bị bệnh phải múc bỏ mắt..., ngay sau khi múc mắt bác sĩ ghép một viên bi san hô vào bao củng mạc để tạo hình lại hốc mắt, giữ cơ nhãn cầu đúng vị trí, không bị teo. Sau khi lành, bác sĩ đặt mắt giả vào thì Bệnh nhân có thể liếc được.
- Trong răng - hàm - mặt: khi nhổ răng, bác sĩ có thể ghép san hô cho đầy sống hàm, chống teo sống hàm để lúc làm răng giả đặt vào sẽ thuận lợi hơn. Trường hợp các chóp răng bị sâu, viêm, tạo những hốc gọi là nang chóp răng, khi điều trị phải nạo bỏ xương viêm và sẽ để lại một khoảng trống, muốn lành xương phải có vật liệu ghép. Trước đây phải dùng vật liệu HTR của Pháp rất đắt tiền. Nay sử dụng san hô VN chỉ sau khoảng ba tháng san hô được xương mọc vào thay thế, đồng hóa gần như bình thường.
Trong năm 2003 bắt đầu dùng san hô để tạo hình những phần khiếm khuyết xương cho BN bị tổn thương xương hàm, xương gò má, xương hốc mắt... Những bệnh nhân này trước đây phải chấp nhận mặt bị móp, biến dạng do thiếu xương hoặc phải dùng ximăng, titanium rất đắt tiền và sau ghép không tự tiêu được.
Trong khi ghép vật liệu san hô vào ngoài việc tạo hình ban đầu, sẽ được thay thế dần bằng chính mô của cơ thể người đó. Bác sĩ điều trị tạo những khung định hình trước trên bệnh nhân bằng nhựa hoặc thạch cao, rồi dựa vào đó sẽ chế tạo mảnh san hô bằng kỹ thuật thủ công. Khoa phẫu thuật hàm mặt Viện Răng hàm mặt TP đã ghép cho sáu trường hợp như vậy.
- Trong những bệnh lý gây chèn ép tủy do hẹp ống sống (do thoái hóa xương hoặc đĩa đệm, chèn ép vào lòng tủy): phương pháp điều trị là mở rộng ống sống, dùng san hô làm vật liệu ghép để làm rộng ống sống. BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã áp dụng cho 10 trường hợp, khoa ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy thực hiện cho trên 30 ca.
Lê Thị Thu Nga
(Sinh viên khoa sinh năm 3, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên)