Túi ni lông (bao bì) có khả năng phân hủy sinh học trên cơ sở phối trộn giữa 60% nhựa thông thường với 30% lượng tinh bột (thường là bột mì) là một nghiên cứu do TS. Hà Thúc Chí Nhân, khoa Khoa học vật liệu - trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM kết hợp với Công ty TNHH Một Bước Tiến thực hiện.
Sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên thực hành sản
xuất bao bì tự hủy trong phòng thí nghiệm (Ảnh: San Thái)
Từ tháng 8/2011 đến nay, công nghệ sản xuất bao bì này đã hoàn chỉnh và đi vào hoạt động với công suất 1 tấn hạt nhựa/giờ. Trong đó, tinh bột được dùng như phụ gia kết nối các phân tử nhựa. Sau khi sử dụng, sản phẩm thường được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Trong môi trường có độ ẩm và nhiệt độ, tinh bột bị thủy phân bởi vi sinh vật có trong đất hoặc môi trường tự nhiên. Sự phân hủy tinh bột làm phát sinh thêm các men vi sinh tác kích vào các mạch phân tử nhựa và xúc tiến gây ra quá trình phân hủy sinh học của nhựa được nhanh hơn.
Về mặt lý thuyết thì thời gian bắt đầu phân rã là 6 tháng và phân hủy hoàn toàn là trên 5 năm. Đặc biệt, sản phẩm chỉ bị phân hủy khi được chôn xuống đất. Tuy nhiên, thị trường chủ yếu của sản phẩm này là Nhật Bản. Gía của sản phẩm này bằng hoặc cao hơn bao bì nhựa thông thường khoảng 5%.