Tùy vào độ tuổi, bạn cần làm các xét nghiệm khác nhau để sớm phát hiện bệnh, đừng để lửa gần mới tính chuyện đi lấy nước xa. Chẳng hạn, việc khám cổ tử cung định kỳ nên tiến hành ngay từ lứa tuổi 20.
Những loại xét nghiệm phụ nữ không nên bỏ qua
Đối với nhiều chị em, việc đi khám sức khỏe định kỳ vẫn còn là một khái niệm xa lạ do tâm lý có bệnh mới phải đến bác sĩ. Khi thấy trong người khoẻ mạnh, thoải mái, nhiều người nghĩ rằng mình hoàn toàn khỏe, nhưng sự thật lại có những bệnh mà thời gian ủ bệnh rất lâu, đến khi phát hiện thì đã muộn và lúc ấy “nước xa khó cứu được lửa gần”.
Tuổi 20
Đây là độ tuổi sung sức nhất trong cuộc đời mỗi con người, bạn ít khi mệt mỏi hay có biểu hiện bệnh gì trầm trọng và chẳng thấy có lý do gì phải đi bác sĩ cả. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu bạn phớt lờ bởi đây là giai đoạn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại về sau.
Những căn bệnh liên quan đến lượng cholesterol cao, huyết áp cao và tiểu đường đang xuất hiện ngày càng nhiều ở phụ nữ trẻ, đặc biệt với người có nguy cơ béo phì, phải ngồi nhiều hoặc trong gia đình có bệnh. Do vậy, việc đi khám là không thể bỏ qua. Có rất nhiều căn bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến tử vong rất nhanh.
Khám cổ tử cung, xét nghiệm HPV
HPV là vi rút u nhú ở người. Đây được coi là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất, gây ung thư cổ tử cung và các loại ung thư khác. Xét nghiệm HPV thường được thực hiện đồng thời với xét nghiệm phiến đồ âm đạo. Vì HPV khá phổ biến ở những phụ nữ dưới 30 tuổi, nhưng nó chỉ được thực hiện khi kết quả kiểm tra PAP bất thường.
Phụ nữ từ 30 tới 65 tuổi được khuyến nghị thực hiện 5 năm một lần loại xét nghiệm này. Với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục, 3 năm phải đi khám cổ tử cung 1 lần. Việc khám nghiệm rất an toàn, nhẹ nhàng và không hề ảnh hưởng gì đến sinh hoạt hằng ngày của bạn.
Ung thư cổ tử cung là một trong 5 bệnh ung thư phổ biến và gây tử vong cao nhất với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Đông Nam Á. Đã có những bước tiến trong điều trị nhưng mới chỉ hiệu quả ở những bệnh nhân khởi phát giai đoạn đầu tiên. Do đó, việc đi khám nhằm phát hiện sớm những tai biến bất thường trong tử cung là rất quan trọng.
Kiểm tra nước tiểu
Việc kiểm tra lượng protein trong nước tiểu sẽ giúp phát hiện những vấn đề về thận, viêm đường tiết niệu hoặc máu. Kiểm tra trong thời điểm ngoài kinh nguyệt sẽ cho kết quả chính xác những căn bệnh như viêm thận, sỏi thận, viêm đường tiết niệu. Lượng gluco thông báo cho bạn khả năng bị tiểu đường và một số bệnh viêm nhiễm khác.
Cần thường xuyên đi kiểm tra nếu bạn có triệu chứng tái phát bệnh viêm nhiễm. Nếu có vấn đề về thận, bạn cần làm thêm một xét nghiệm về máu.
Kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục
Có thể bạn cho rằng chỉ có những người quan hệ tình dục bừa bãi mới mắc phải những bệnh ấy. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn khuyên chúng ta nên đi kiểm tra, đặc biệt với những bạn trẻ sắp kết hôn, vì chỉ cần một lần quan hệ tình dục không an toàn là bạn có thể nhiễm bệnh. Rất nhiều trường hợp những người không biết mình nhiễm bệnh nên sau khi kết hôn đã vô tình truyền bệnh cho bạn đời. Việc đi khám và thử máu là cần thiết.
Kiểm tra lượng đường trong máu
Do thói quen ngồi nhiều và chế độ ăn uống quá nhiều chất đường, chất béo, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ mắc bệnh tiểu đường. Những người có đường huyết hơi cao, béo phì hoặc gia đình có tiền sử người mắc bệnh tiểu đường cần đi khám mỗi năm một lần.
Kiểm tra các bệnh viêm gan virus
Mục đích là xem bạn có mang mầm bệnh hay cơ thể đã được miễn dịch. Nếu cơ thể chưa được miễn dịch, bạn phải tiêm văcxin. Những phụ nữ sống và làm việc trong môi trường thiếu vệ sinh sẽ dễ mắc viêm gan A. Với viêm gan B thì tất cả phụ nữ đều có nguy cơ cao.
Tuổi 30
Nếu chuẩn bị có con, bạn cần kiểm tra cả về tâm lý lẫn sức khoẻ. Kiểm tra tâm lý giúp bạn có tâm trạng thật thoải mái, một điều rất quan trọng trong quá trình thụ thai và mang thai sau này. Dựa vào kết quả kiểm tra phụ khoa và kiểm tra máu, các bác sĩ sẽ kết luận về tình trạng nội tiết tố, xem cơ thể bạn có gì bất thường không, có mang bệnh tiềm ẩn hay có lỗi gì trong gene gây ảnh hưởng đến đứa trẻ sau này không. Kiểm tra trước giúp bạn tránh được tối đa nguy cơ sinh ra trẻ bị khiếm khuyết.
Kiểm tra chức năng gan
Ở tuổi 30, việc kiểm tra xem gan hoạt động tốt hay không đóng vai trò khá quan trọng. Chế độ ăn có hàm lượng béo cao và lạm dụng quá nhiều rượu bia, thức uống có cồn sẽ làm tăng nguy cơ gan bị phá hủy. Nếu ở lứa tuổi 30 đã bị kêu là béo thì bạn nhất thiết phải đi kiểm tra gan vì hàm lượng chất béo bão hòa trong cơ thể đang ở mức cao, rất nguy hiểm cho sức khoẻ.
Kiểm tra lượng cholesterol trong máu
Một xét nghiệm kiểm tra cholesterol sẽ thể hiện cholesterol toàn phần, LDL cholesterol (cholesterol xấu), HDL cholesterol (cholesterol tốt) và một dạng mỡ trong máu gọi là triglyceride.
Thức ăn ngày nay chủ yếu xoay quanh thịt, cá trứng, đồ ăn nhanh, đồ hộp nên dễ gây cholesterol máu cao. Phụ nữ có tiền sử bị tim, huyết áp cao đã từng được chẩn đoán là hàm lượng cholesterol cao cần đi kiểm tra mỗi năm một lần. Còn với những người được chẩn đoán bình thường thì khoảng 3 đến 5 năm đi kiểm tra một lần.
Kiểm tra máu trong phân
Xét nghiệm này giúp phát hiện ung thư đại-trực tràng - căn bệnh gây tử vong thứ 2 trong số các loại ung thư ở phụ nữ. Hó hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 20% số ca mắc bệnh. Nếu đột ngột sút cân, cơ quan đường ruột thay đổi bất thường, nên đi khám thường xuyên, nhất là nếu bạn hút thuốc lá.
Kiểm tra huyết áp
Việc đo huyết áp được thực hiện bằng cách quấn một túi khí (được nối với 1 đồng hồ chỉ số hoặc đồng hồ điện tử) quanh tay của bạn, nhằm mục đích đo áp lực trong động mạch khi tim đập.
Ngay cả khi còn trẻ, chúng ta cũng nên thường xuyên kiểm tra huyết áp. Phụ nữ tuổi càng cao càng cần kiểm tra thường xuyên hơn.
Trên 40
Ở tuổi này, người ta dễ mắc bệnh hơn vì sức đề kháng kém đi rõ rệt. Với phụ nữ, một trong những việc cần làm là đi chụp X-quang nhằm xác định các khối u vùng ngực. Đây là tầm tuổi mà bệnh ung thư vú xuất hiện nhiều nhất, nếu phát hiện sớm, khả năng chữa trị sẽ cao hơn. Phụ nữ 40-50 tuổi cần đi khám mỗi năm một lần, trên 50 tuổi 2 năm/lần. Nếu trong gia đình có người bị ung thư vú thì cần kiểm tra sớm hơn.
Mật độ xương
Phụ nữ trên 65 nên được đo mật độ xương hai năm một lần. Và nếu có các yếu tố nguy cơ loãng xương như bị chứng rối loạn ăn uống hoặc lối sống ít vận động, chị em nên làm kiểm tra này sớm hơn.
Khi đo mật độ xương, người ta sử dụng X-quang để đo số lượng gam canxi và khoáng chất xương có trong một phân đoạn của xương, những xét nghiệm này thường tập trung vào cột sống, hông và cánh tay.
Sa cơ quan vùng chậu
Khoảng 1/3 phụ nữ bị ảnh hưởng của sa cơ quan vùng chậu hoặc một tình trạng tương tự trong đời. Điều đó có nghĩa là có từ một hoặc một vài cơ quan vùng chậu - bàng quang, tử cung, âm đạo, ruột non, trực tràng - hoạt động không đúng chức năng. Bắt đầu từ tuổi 65, phụ nữ nên được sàng lọc hàng năm loại bệnh này.
Kiểm tra hoóc-môn kích thích tuyến giáp
Xét nghiệm máu này kiểm tra những vấn đề ở tuyến giáp như cường giáp hoặc nhược giáp. Loại kiểm tra này nên thực hiện từ 19 tới 49 tuổi ở những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh. Với phụ nữ trên 50, kiểm tra cứ 5 năm một lần.
Bệnh tiểu đường
Bắt đầu từ tuổi 45, chị em nên được kiểm tra bệnh tiểu đường cứ 3 năm một lần và sớm hơn nếu có những yếu tố như béo phì hoặc tiền sử gia đình. Tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mạch và đang gia tăng do đại dịch béo phì. Việc kiểm tra sớm là rất quan trọng. Xét nghiệm được thực hiện thông qua xét nghiệm gluco huyết tương lúc đói hoặc xét nghiệm hemoglobin A1.
Ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là một trong ba loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ. Nội soi đại tràng có thể phát hiện và điều trị sớm loại ung thư này. Những người bị viêm đại tràng hoặc những người có tiền sử ung thư đại tràng trong gia đình nên khám sàng lọc từ năm 13 tới 18 tuổi. Trong khi đó, những người từ 19 tới 49 tuổi nên được sàng lọc nếu họ có nguy cơ cao như bị bệnh ruột kích thích hoặc bệnh viêm đường ruột(Crohn). Phụ nữ nên đi nội soi đại tràng 10 năm một lần bắt đầu từ tuổi 45 đến 50.