Hành tinh khổng lồ này vẫn còn tồn tại vô số những bí ẩn cần lời giải đáp.
Vào 22 giờ ngày hôm nay, 4/7 theo giờ Mỹ (tức 10 giờ sáng 5/7 theo giờ Việt Nam), tàu du hành vũ trụ không người lái Juno của NASA sẽ tiếp cận với sao Mộc gần hơn bất kì tàu vũ trụ nào trước đây. Juno đã bay hơn 1,7 tỷ dặm trong suốt hơn 5 năm qua. Và hôm nay, con tàu thăm dò này đã bắt đầu thực hiện một chuỗi các lệnh điều hành nhằm đưa nó tiếp cận với đám mây khí quyển của sao Mộc.
Các động cơ sẽ chuyển sang chế độ tiếp cận. Con tàu sẽ bắt đầu đốt nhiên liệu để làm chậm tốc độ di chuyển nhằm khiến cho Juno có thể cuốn theo vào quỹ đạo của sao Mộc. Nếu thành công, sứ mệnh trị giá 1,1 tỷ đô la Mỹ này sẽ cung cấp cho các nhà khoa học dữ liệu đầy đủ nhất cho đến nay về sao Mộc, một hành tinh bí ẩn bậc nhất trong thái dương hệ.
Được bao phủ chủ yếu bởi các nguyên tố khí, sao Mộc chắc chắn sẽ không có cùng một loại bề mặt đá rắn giống các hành tinh khác như sao Hỏa hoặc Trái Đất.
Ảnh mô phỏng quá trình tiếp cận của Juno vào bầu khí quyển sao Mộc. (Nguồn ảnh: CNBC).
"Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ mà con người đang có được, chúng tôi thật sự hy vọng có thể khám phá ra những bí mật nằm sâu bên trong hành tinh này cũng như cấu trúc địa tầng của nó", theo lời của Curt Niebur, người dẫn đầu chương trình "Chân trời mới" giám sát tàu vũ trụ Juno ở NASA cho biết.
Sao Mộc là một hành tinh rất kỳ lạ. Các nhà khoa học đã tranh luận trong suốt một thời gian dài về những gì thật sự tồn tại bên dưới những đám mây dày của sao Mộc. Bên cạnh đó, kích thước của sao Mộc lại lớn một cách bất thường. Nếu mang tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời và kết hợp chúng lại với nhau thì cũng chỉ bằng một nửa kích thước của sao Mộc.
Sao Mộc có đường kính dài gấp 11 lần Trái Đất và nó phải mất đến 12 năm để quay hết một vòng xung quanh Mặt Trời. Tuy vậy, tốc độ di chuyển của nó lại nhanh hơn so với Trái Đất và thời gian sao Mộc tự xoay tròn xung quanh trục chỉ mất 10 giờ. Sao Mộc có bốn mặt trăng lớn và một số mặt trăng nhỏ khác vây quanh.
Mặc dù nó được bao phủ trong một lớp khí dày, nhưng một số nhà khoa học vẫn cho rằng sao Mộc tồn tại một lõi rắn. "Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng tôi lại không có bất kì dữ liệu thực tế nào để chứng minh cho lý thuyết này", Niebur nói. Bên cạnh đó, sự hình thành nên sao Mộc cũng là một điều bí ẩn. Lớp khí dày khủng khiếp độc nhất vô nhị của nó đã được tạo ra như thế nào trong quá khứ? "Chúng tôi đang chờ đợi câu trả lời được gửi về từ Juno".
Các nhà khoa học cho rằng, trong quá trình hình thành ban đầu của thái dương hệ, kích thước của sao Mộc không lớn bất thường như hiện nay. Để tìm hiểu về vấn đề này, tàu thăm dò Juno sẽ tìm kiếm sự hiện diện của nước và các các hợp chất nhất định, ví dụ như amoniac.
Vệ tinh Juno.
Sao Mộc nổi bật bởi một bầu không khí hỗn loạn của những đám mây màu. Đó là một hành tinh có màu sắc khá đẹp và nó thay đổi theo từng giờ.
Hành tinh này được tạo thành chủ yếu từ khí heli và hydro. Các nhà khoa học cho rằng, khi tích tụ vào sâu bên dưới tầng khí quyển, dưới áp suất và nhiệt độ cao khủng khiếp, khí hydro sẽ ngưng tụ đến mức trở thành một dạng vật chất tương tự như kim loại. "Nó không phải là một chất rắn, cũng không phải là một chất lỏng hoặc khí. Dạng vật chất này kết hợp luôn cả 3 đặc tính", theo lời của Niebur.
Chính sự tồn tại của dạng kim loại hydro này mà sao Mộc có một lớp từ trường vô cùng khủng khiếp. Lớp từ trường này lớn đến mức thậm chí chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi nhìn từ Trái Đất.
Một khi tiếp cận đến bên ngoài bầu khí quyển của sao Mộc, Juno sẽ dành vài tháng tới để lấy số đo của từ trường, nồng độ của hóa chất khác nhau và chụp ảnh gửi về Trái Đất. Sau đó, Juno sẽ vượt qua tầng khí quyển dày 3000km của sao Mộc nhằm thu thập những thông tin sâu hơn. Cuối cùng, Juno sẽ dần dần bị tan rã do môi trường quá mức khắc nghiệt trong lòng sao Mộc.