Các nhà khoa học Mỹ công bố nghiên cứu loại đá không gian va chạm vào Trái đất cách đây 65 triệu năm gây ra sự tuyệt chủng của các loài khủng long là một sao chổi, chứ không phải là một tiểu hành tinh như các dự đoán trước đây.
Minh họa sao chổi đâm vào Trái đất cách nay 65 triệu năm - (Ảnh: BBC)
Kết luận vừa được trình bày tại Hội nghị Khoa học về Mặt trăng và các hành tinh lần thứ 44, diễn ra từ ngày 18 đến 22/3 tại bang Texas (Mỹ).
Bằng chứng của việc va chạm nêu trên là các nhà khoa học đã tìm thấy một miệng hố Chicxulub có đường kính đến 180km tại bán đảo Yucatan, Mexico. Nhóm nghiên cứu thấy rằng để tạo ra một miệng hố rộng 180km cần sự tác động của một thực thể nhỏ có vận tốc di chuyển rất lớn.
Chính sao chổi di chuyển với tốc độ nhanh khi đâm sầm vào Trái đất đã gây ra hỏa hoạn, động đất và sóng thần, tiêu diệt đến 70% sinh vật trên Trái đất, trong đó có các loài khủng long, giáo sư Mukul Sharma - một trong những tác giả của nghiên cứu, làm việc tại ĐH Dartmouth, bang New Hampshire (Mỹ) - nói với BBC.