Vi khuẩn ngoài vũ trụ có phải là nguồn gốc sự sống trên Trái Đất không? Chúng ta có thật sự là sinh vật sinh ra từ Trái đất không?
Rất có thể là không. Một nhóm nhà nghiên cứu của Trường đại học Havard cho rằng tất cả chúng ta có thể là các sinh vật nhập cư từ ngoài vũ trụ, đến Trái đất nhờ một cơ chế gọi là Thuyết tha sinh (panspermia).
Theo lẽ thường mà các nhà sinh vật học vẫn giải thích thì sự sống trên Trái Đất khởi nguồn từ Trái Đất. Khoa học viễn tưởng thì không trói gọn trong lí luận đó. Những bộ phim “Prometheus” hay “Alien” chẳng hạn, là những phim có cốt truyện cho rằng hành tinh của chúng ta được reo mầm sống bởi những sinh vật ngoài vũ trụ.
Trong phim, người ngoài hành tinh sử dụng một số loại hệ thống giao thông có công nghệ tối tân để đến Trái Đất. Thuyết tha sinh không cần đến kĩ thuật cao siêu như vậy, mà dựa vào ý tưởng cơ bản như sau: Một ngôi sao băng va vào một hành tinh có sự sống và sự va chạm đó bung vào vũ trụ những cục đất đá chứa vi sinh vật. Những cục đất đá này cuối cùng lại va vào thế giới khác và truyền sang đó sự sống nó mang theo.
Nhiều nhà khoa học về vũ trụ cho rằng thuyết tha sinh có thể đúng trong phạm vi hệ Mặt Trời. Ví dụ: rất có thể sự sống khởi phát trên sao Hỏa hơn 4 tỉ năm trước và nhờ có thuyết tha sinh, sự sống đó đã đến với Trái Đất, nơi mà mầm mống sự sống đó phát triển thành thực vật và động vật như chúng ta thấy hiện nay.
Tiểu hành tinh Oumuamua.
Nhưng lâu nay người ta vẫn cho thuyết tha sinh chỉ có thể áp dụng ở một phạm vi giới hạn thôi. Thậm chí cho dù các vi sinh vật có sức sống mãnh liệt, “dai ngoách” hơn cả những miếng bít tết rẻ tiền thì chúng cũng khó có thể sống sót qua một hành trình dài giữa các hệ sao.
Khi đến được nơi mới thì chúng đã chết rồi, bị phóng xạ trong vũ trụ tiêu diệt và thiếu nước trên đường đi. Cơ hội để một cục đất chứa vi khuẩn từ một hệ sao này thực sự tới được một hành tinh ở một hệ sao khác cũng chỉ nhỏ bằng cơ hội bắn được một con chim bồ câu bằng đất đi xa hàng nghìn tỉ dặm.
Tiểu hành tinh Oumuamua đã thay đổi những nhận định này. Vào năm ngoái, khi nó đi qua hệ Mặt Trời của chúng ta, các nhà khoa học ở Trường đại học Havard nhận thấy rằng các vật thể lớn có thể reo rắc sự sống qua hành trình dài nhiều năm ánh sáng, thậm chí là khắp cả thiên hà.
Họ cho rằng điều đó là hoàn toàn có thể, bởi vì có nhiều cách để tăng tốc “các gói mầm sống sinh học” lên đến vận tốc lớn hơn rất nhiều và được một hệ sao khác hút bằng trọng lực khi nó đến gần, và cuối cùng là va chạm với một hành tinh và để mầm sống lại đó.
Trò chơi tung bắt mầm sống này có cơ hội tốt nhất trong những hệ sao đôi. Khoảng một nửa số sao trong dải Ngân Hà có sao đồng hành và các trường trọng lực ở những hệ sao này luôn luôn thay đổi. Đôi khi chúng phóng các tiểu hành tinh, các sao chổi hay thậm chí là các mặt trăng hoặc các hành tinh vào vũ trụ với tốc độ rất lớn. Các hệ sao đôi cũng rất giỏi hút các vật thể lớn về mình khi chúng đi qua nhau.
Bằng các phép tính toán học, các nhà nghiên cứu kết luận rằng có thể có nhiều nhóm tiểu hành tinh, sao chổi, mặt trăng và hành tinh bị “bỏ rơi” và trôi trong thiên hà. Chúng có thể du hành qua những khoảng cách giữa các vì sao xa nhau đến hàng triệu năm. Đó có thể là chuyến đi dài, nhưng vẫn có một số vi khuẩn sống sót được.
Nếu kịch bản này là đúng thì thay vì nhận định tổ tiên chúng ta là người Bosnia hay Bengali, chúng ta phải nhìn nhận lại rằng tổ tiên thực sự của mình là từ một hành tinh “chưa biết là đâu”. Điều đó cũng có thể được hiểu là sự sống tồn tại ở khắp nơi trong vũ trụ.
Nhưng vẫn chưa rõ sự sống có thể du hành qua một chuyến đi như vậy hay không. Nhà khoa học Rocco Mancinelli làm việc cho NASA là một trong những người hoài nghi việc các vi khuẩn có thể sống sót qua những chuyến hành hương theo thuyết tha sinh như vậy.
Ông nói: “nếu chuyến đi kéo dài nhiều triệu năm thì mầm sống đó sẽ chết và chả còn ý nghĩa gì dù nó là mầm sống giống như trên Trái Đất hay không giống như vậy. Nó sẽ bị phóng xạ trong vũ trụ tiêu diệt. Và thậm chí nếu nó có thể sống sót thì phóng xạ phát ra từ chính khoáng chất trong hòn đá mang nó cũng sẽ giết chết nó".
Bên cạnh những ý kiến hoài nghi như vậy, thì vẫn có rất nhiều người tin vào thuyết tha sinh. Có lẽ họ tin như vậy là vì họ không hoàn toàn hài lòng với ý nghĩ rằng tổ tiên xa xưa của chúng ta là những người ăn lông ở lỗ, ý nghĩ rằng chúng ta có nguồn gốc văn minh xán lạn có vẻ thú vị hơn nhiều. Nếu con người không phải do các vị thần thánh sinh ra thì ít nhất chúng ta cũng có thể là hậu duệ của những sinh vật đến từ một hành tinh rất, rất xa nào đó