Cho đến nay, Trái đất là hành tinh duy nhất có một trữ lượng lớn nước dưới bề mặt. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho rằng sao Hỏa thậm chí còn có lượng nước dưới bề mặt nhiều hơn trên hành tinh của chúng ta.
Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Carnegie ở Washington (Mỹ) đã tiến hành phân tích 2 thiên thạch có nguồn gốc từ sao Hỏa. Hai thiên thạch này tương đối trẻ và được hình thành sau khi lớp đất đá dưới bề mặt hành tinh đỏ bị nóng chảy. Chúng bay tới Trái đất sau khi bị bắn ra khỏi sao Hỏa cách đây khoảng 2,5 triệu năm.
Kết quả phân tích cho thấy rằng lượng nước trong 2 thiên thạch này tương đương với lượng nước trong các hòn đá có kích thước tượng tự ở dưới bề mặt của Trái đất. Điều này chứng tỏ sao Hỏa cũng tồn tại một lượng lớn nước dưới bề mặt như hành tinh của chúng ta. Phát hiện này cũng có thể là bằng chứng cho thấy rằng sự sống đã từng tồn tại trên Hành tinh đỏ.
Lượng nước dưới bề mặt của sao Hỏa có thể nhiều hơn trên Trái đất
“Chúng tôi đã phân tích lượng nước trong khoáng chất apatit trong thiên thạch có nguồn gốc từ sao Hỏa và phát hiện nước trong thiên thạch được tạo ra trong quá trình chúng hình thành trên sao Hỏa. Điều này cho thấy hành tinh đỏ có thể chứa một lượng nước lớn dưới bề mặt”, tiến sĩ Erik Hauri, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên Daily Mail.
Dựa trên lượng nước được tìm thấy trong khoáng vô cơ của thiên thạch, các nhà khoa học ước tính rằng các khối thiên thạch từ sao Hỏa chứa lượng nước từ 70 đến 300 phần triệu. Trong khi đó, các khối đá tương tự trên Trái đất chứa lượng nước thấp hơn chỉ khoảng từ 50 đến 300 phần triệu.
Tiến sĩ Erik Hauri và các cộng sự của mình có thể xác định được các giá trị trên nhờ công nghệ mới và các tiêu chuẩn mới mà họ phát triển. Nhưng công nghệ này mới chỉ có thể xác định chính xác lượng nước trong khoáng vô cơ.
Phát hiện mới nhất của tiến sĩ Erik Hauri và các cộng sự thuộc Viện nghiên cứu Carnegie cũng giúp các nhà khoac học hiểu rõ hơn và lịch sử địa chất của sao Hỏa, bao gồm quá trình hoạt động địa chất dưới bề mặt của hành tinh đỏ.