Sao Kim sắp không còn là "bí ẩn"?

Sao Kim được xem là “anh em” của Trái đất bởi có nhiều điểm giống Trái đất. Tuy nhiên hiện nay hiểu biết của con người về hành tinh này còn khá hạn chế.

Nguyên nhân chính do những dự án khám phá vũ trụ luôn tập trung vào chinh phục sao Hỏa, Mặt trăng hay những ngôi sao khác. Ngoài ra còn do nó quá khó đến "thăm", theo tạp chí Science.

Trước đây, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, Liên Xô đã đưa được robot lên sao Kim nhưng robot này chỉ "sống" được trong vài giờ bởi không chịu nổi áp suất và nhiệt độ nơi đây.

Hi vọng từ silic cacbua

Phil Neudeck - một kỹ sư điện tử ở Trung tâm nghiên cứu Glenn của NASA, đang cố gắng tạo nên một bước tiến công nghệ khi chế ra một robot đơn giản nhưng chinh phục được sao Kim.

Các robot trước đây không chịu được nhiệt độ và áp suất khủng khiếp trên sao Kim. Đặc biệt, nhiệt độ cao làm cho silic - thành phần không thể thiếu trong các mạch điện tử, mất đi tính bán dẫn.


Mạch điện tử có con chip làm từ silic cacbua - (Ảnh: NASA).

Neudeck tình cờ chú ý đến silic cacbua (SiC) vốn được sử dụng như một chất mài mòn (chẳng hạn trong giấy nhám) hay thành phần của kim cương giả.

Cụ thể, lỗ trống trong tinh thể silic cacbua có kích thước rộng hơn so với silic. Điều này có nghĩa electron của nó phải hấp thụ nhiều năng lượng hơn rất nhiều mới trở thành chất dẫn điện. Kết quả nó có thể duy trì đặc tính bán dẫn ở nhiệt độ cao hơn.

Với sự giúp đỡ của NASA và Văn phòng nghiên cứu hải quân, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách thức làm ra các mạch siclic cacbua có đường kính 150mm và nó vẫn đang được làm nhỏ lại.

Neudeck tiếp tục thêm tranzito vào vi mạch để xây dựng một hệ thống phức tạp hơn. Sau đó, nhóm nghiên cứu bắt đầu phát triển một con chip mạch máy tính hoàn chỉnh từ những phần trên.


Con chip mới có thể hoạt động 2 tháng trong môi trường mô phỏng khí quyển sao Kim - (Ảnh: NASA).

Neudeck hy vọng robot này có thể tồn tại trong nhiều tháng thay vì chỉ có thể sống trong vài giờ như trước đây.

"Chúng tôi không có con chip xử lý nhanh nhất thế giới, cũng không có con chip phức tạp nhất. Nhưng trong môi trường của sao Kim chúng tôi có thứ tốt nhất", Neudeck nói.

Nhiệm vụ của nó là đo lường gió, nhiệt độ, chất hóa học, áp suất và sóng địa chất trên sao Kim.

Địa hình của sao Kim cho thấy từng có hoạt động núi lửa ở đây. Các nhà khoa học cho rằng sao Kim từng có số núi lửa bằng với số ở Trái đất, trong đó khoảng 167 núi lửa đường kính trên 100km.

"Kẻ" khác biệt kỳ lạ


Sao Kim và Trái đất - (Ảnh: NASA).

Sao Kim có ngày dài hơn… năm. Một ngày trên Sao Kim (thời gian quay quanh trục) bằng 243,018 ngày trên Trái đất. Trong khi đó, một năm trên hành tinh này (thời gian quay quanh Mặt trời) chỉ bằng 224,698 ngày trên Trái đất.

Ngoài ra, trong Hệ mặt trời, sao Kimsao Thủy hoàn toàn không có vệ tinh tự nhiên.

Sao Kim cũng là hành tinh duy nhất trong Hệ mặt trời tự quay quanh trục ngược chiều với các hành tinh còn lại. Cụ thể, sao Kim quay từ đông sang tây trong khi các hành tinh khác quay từ tây sang đông.

Trên trang Scientific American, hai nhà nghiên cứu Alexandre Correira và Jacques Laskar thuộc trung tâm CNRS (Pháp), cho rằng có lẽ lúc ban đầu sao Kim có trục quay rất nghiêng.

Họ đưa ra 2 giả thuyết cho trục quay đặc biệt. Một là do sự vận động hỗn độn của tầng khí quyển trên hành tinh khiến trục quay của nó nhích dần rồi đảo ngược hẳn.

Hai là sự vận động tầng khí quyển dày đặc bên ngoài khiến cấu trúc rắn bên trong bị lôi cuốn theo rồi quay ngược chiều trong khi trục quay không đổi.


Sao Kim hiện nay có hoạt động địa chất hay không vẫn còn là một dấu hỏi - (Ảnh: NASA).

Với nhiệt độ bề mặt trung bình bằng 462°C, sao Kim là hành tinh nóng nhất trong Hệ mặt trời.

Một số nhà khoa học từng cho rằng sao Kim đã có những đại dương trong quá khứ, nhưng do không có chu trình cacbon để đưa cacbon trở lại đất đá khiến cacbon tồn tại trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát khiến hành tinh ngày càng khô nóng.

Cuối cùng, toàn bộ bề mặt của sao Kim trở thành một hoang mạc khô cằn với đá và bụi.

Áp suất không khí trên bề mặt sao Kim cực lớn, cao hơn khoảng 92 lần áp suất của mực nước biển trên Trái đất.

Cập nhật: 30/11/2017 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video